Tuy nhiên, thời gian gần đây, nghề nuôi cá lồng đang bộc lộ nhiều nguy cơ tiềm ẩn, phát triển thiếu tính bền vững, không theo quy hoạch, thiếu định hướng về thị trường.
Theo báo cáo của UBND thị xã Nghi Sơn, nghề nuôi cá lồng du nhập vào địa phương từ những năm 90 của thế kỷ trước. Ban đầu, chỉ có một số hộ dân nuôi thử nghiệm ở vụng Ngọc, xã đảo Nghi Sơn. Nhờ các điều kiện môi trường thuận lợi, số ô lồng nuôi ít nên nghề nuôi cá lồng tại đây đạt hiệu quả kinh tế cao, bước đầu đem lại nguồn thu nhập cho các hộ nuôi.
Do lợi nhuận mang lại từ nghề nuôi cá lồng khá lớn, khoảng chục năm trở lại đây, các hộ dân ở thị xã Nghi Sơn đã tự phát mở rộng quy mô về cả số hộ và số lồng nuôi tại khu vực vụng Ngọc, khu vực âu neo đậu tàu thuyền, cảng cá Lạch Bạng, khu vực luồng lạch xã Hải Hà và khu vực ven sông Bạng đoạn qua các xã, phường như Hải Châu, Hải Thanh, Hải Bình, Bình Minh, Xuân Lâm. Quy mô gồm 3.582 ô, lồng nuôi các loại cá đặc sản như: cá song, cá mú, cá hồng... Do mật độ nuôi cá lồng của người dân tăng cao, thời tiết diễn biến phức tạp, nước thải sinh hoạt chưa được thu gom, hoạt động súc rửa tàu thuyền hàng ngày với số lượng lớn tại các khu neo đậu đã tiềm ẩn nhiều rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường sinh thái.
Bên cạnh đó, việc các hộ dân tự phát mở rộng quy mô nuôi đã làm ảnh hưởng thậm chí lấn chiếm vào luồng hàng hải cũng như vùng nước trước các bến cảng tổng hợp Quốc tế Nghi Sơn, cảng Công ty Nhiệt điện 1, 2 Nghi Sơn (Khu Kinh tế Nghi Sơn). Khu vực nuôi cá lồng tự phát tại âu neo đậu tàu thuyền Lạch Bạng, khu vực ven sông Bạng… cũng gây cản trở cho các tàu thuyền ra vào luồng lạch.
Trước tình hình trên UBND thị xã Nghi Sơn đã ban hành kế hoạch xử lý tình trạng nuôi cá lồng tự phát, không có quy hoạch trên địa bàn, lộ trình từ năm 2022-2025 sẽ giải bản (giải tỏa, tháo dỡ, dẹp bỏ, không cho nuôi ở khu vực nào đó) toàn bộ các ô lồng nuôi cá không đúng quy hoạch. Đồng thời tuyên truyền, vận động các hộ nuôi cá lồng ký cam kết tự tháo dỡ lồng nuôi sau khi vụ nuôi 2023 kết thúc cũng như không thả thêm con giống sau khi thu hoạch để giải bản toàn bộ số ô, lồng, bè nuôi trồng thủy sản trái phép. Đến thời điểm này, sau khi tiến hành giải bản được 460 ô, lồng nuôi cá, trên địa bàn thị xã Nghi Sơn vẫn còn tồn tại hơn 3.100 ô, lồng nuôi cá tự phát, ngoài quy hoạch của 139 hộ dân, tập trung ở xã đảo Nghi Sơn, xã Hải Hà, các phường Hải Bình, Hải Thanh…
Ông Lê Khắc Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã đảo Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa khẳng định: Thực hiện chỉ đạo của UBND thị xã, mục tiêu của xã đảo Nghi Sơn là sớm giải bản các lồng nuôi. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng sớm có quy hoạch và hướng dẫn cụ thể vùng nuôi mới cũng như hỗ trợ kinh phí để hỗ trợ các hộ dân ra khu vực được.
Ông Trần Văn Sơn, Chủ tịch UBND phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết: "Bà con kiến nghị nhà nước có địa điểm mới để quy hoạch nuôi tập trung, địa phương đã báo cáo cấp thẩm quyền vùng nuôi phù hợp là đảo Hòn Mê, có độ nước sâu, trong, rất phù hợp để nuôi cá lồng an toàn, bền vững. Thời gian tới tỉnh có quy hoạch cụ thể, địa phương sẽ vận động các hộ di chuyển đến nơi nuôi mới”.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án phát triển nuôi cá lồng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó tỉnh Thanh Hóa sẽ quy hoạch phát triển nuôi cá lồng nước mặn tại khu vực vùng vịnh bán kín ở đảo Hòn Mê - thị xã Nghi Sơn với hình thức nuôi tập trung quy mô công nghiệp.
UBND tỉnh Thanh Hóa đang giao các sở, ngành liên quan nghiên cứu các thủ tục để công bố công khai các vị trí nuôi trồng thủy sản tại khu vực đảo Hòn Mê. Từ đó hướng dẫn thực hiện việc quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên biển, đảo, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường cũng như hướng dẫn cụ thể về thủ tục thuê và quản lý diện tích mặt nước cho phát triển nuôi trồng thủy sản theo quy định... đảm bảo an ninh, trật tự tại khu vực đảo Hòn Mê.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng giao UBND thị xã nghi Sơn phối hợp các đơn vị liên quan tuyên truyền, vận động, nghiêm cấm việc làm mới lại lồng, bè nuôi cá, thả giống mới cũng như tuyên truyền để nhân dân nắm được hiện nay khu vực đảo Hòn Mê chưa công bố công khai các vị trí nuôi trồng thủy sản, chưa cắm mốc giới và chưa có hướng dẫn cụ thể về thủ tục thuê mặt nước nuôi trồng thủy sản. Theo đó, việc các hộ tự ý ra khu vực đảo Hòn Mê nuôi trồng thủy sản khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép là vi phạm pháp luật an ninh trên biển, tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn.
Là một trong những hộ đầu tiên nuôi cá lồng ở xã đảo Nghi Sơn, hiện gia đình anh Nghiêm Văn Tình (thôn Trung Sơn, xã đảo Nghi Sơn) đang nuôi 40 ô lồng tại vụng đảo Nghi Sơn. Nhận thấy nuôi cá lồng tại vụng đảo Nghi Sơn không hiệu quả, cách đây 3 năm, gia đình anh Tình đã vay ngân hàng đầu tư gần 1 tỷ đồng làm lồng bè, lưới công nghệ Nauy để nuôi cá đặc sản trên vùng biển gần đảo Mê.
Anh Nghiêm Văn Tình, cho biết: “Địa phương vận động, yêu cầu giải bản toàn bộ số lồng nuôi tại vụng Nghi Sơn, gia đình tôi chấp hành nhưng đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm hỗ trợ kinh phí hoặc cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để chúng tôi duy trì nghề nuôi cá lồng này. Đồng thời có quy hoạch vùng nuôi ngoài đảo Mê sao cho phù hợp, thuận tiện cho bà con nuôi trồng”.
Trước những khó khăn của các hộ nuôi cá lồng phải giải bản, mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo UBND thị xã nghi Sơn xây dựng chính sách khuyến khích phát triển nuôi cá lồng trên khu vực biển Hòn Mê và cơ chế hỗ trợ một phần kinh phí cho các hộ dân khi thực hiện giải bản lồng, bè trên địa bàn.
Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Trưởng Phòng Kinh tế, UBND thị xã Nghi Sơn khẳng định: "Qua tuyên truyền vận động, hầu hết các hộ dân đã nhận thức được việc nuôi cá lồng là tự phát, không đúng quy hoạch. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa, hiện chúng tôi đang khẩn trương nghiên cứu các cơ chế, chính sach liên quan đến kế hoạch giải bản lồng bè, lấy ý kiến của người dân cũng như phương án di dời lồng, bè ra khu vực đảo Mê khi có sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng.”
Việc đưa các hộ nuôi trồng thủy sản của thị xã Nghi Sơn tiến ra khơi xa có điều kiện thích hợp để phát triển ngành nghề sẽ giải quyết được bài toán về môi trường, quy hoạch ở địa phương. Đồng thời, đây cũng là tiền đề để tỉnh Thanh Hóa phát triển, mở rộng nghề nuôi cá lồng, nuôi cá đặc sản bền vững trong tương lai.