Ngư dân tỉnh Quảng Nam thành lập các tổ, đội đoàn kết thuộc các nghiệp
đoàn nghề cá để hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình làm ăn dài ngày trên
biển.
Mô hình tổ, đội đoàn kết hoạt động theo tinh thần Chỉ thị số
01/CT-TTg ngày 9/2/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thực hiện
phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên
giới quốc gia trong tình hình mới đã phát huy hiệu quả, giúp ngư dân yên
tâm trong quá trình vươn khơi bám biển dài ngày.
Ngư dân thuộc Tổ đoàn kết ngư dân trên biển của xã Tam Quang chuyển cá từ khoang thuyền lên bờ để tiêu thụ sau một chuyến đi biển. Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN |
Định kỳ sau
mỗi chuyến đi biển xa trở về, các tổ, đội đoàn kết đánh bắt hải sản xa
bờ, thuộc nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng
Nam, đều tổ chức gặp mặt để các thuyền trưởng, thuyền viên trao đổi lẫn
nhau về những phát sinh trong quá trình làm ăn trên biển, xử lý sự cố
máy móc, việc dò tìm luồng cá…
Cũng tại đây, chính quyền địa phương và
Bộ đội Biên phòng tổ chức tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính
sách của Đảng và Nhà nước về việc phát triển ngành nghề khai thác hải
sản xa bờ, phổ biến những quy định của pháp luật để bà con áp dụng trong
quá trình làm ăn trên biển.
Anh Nguyễn Thanh Tiến, chủ tàu
kiêm thuyền trưởng tàu cá số hiệu QNa 91037TS ở xã Tam Quang cho hay:
“Tàu của tôi có 15 thành viên, công suất 830 CV, hoạt động ở ngư trường
Hoàng Sa. Từ khi tham gia nghiệp đoàn nghề cá và trở thành thành viên
của tổ, đội đoàn kết làm ăn trên biển, chúng tôi yên tâm hơn. Trong quá
trình làm ăn trên biển, nếu gặp trục trặc sẽ được các tàu trong tổ, đội
đoàn kết giúp đỡ”.
Núi Thành là địa phương trọng điểm về phát
triển nghề cá của tỉnh Quảng Nam. Toàn huyện hiện có 2.320 tàu, thuyền
các loại với tổng công suất 140.000 CV, trong đó gần 280 tàu có công
suất từ 90 CV đến trên 1.100 CV. Kinh tế biển đã trở thành ngành kinh tế
mũi nhọn của địa phương. Năm 2016, ngư dân huyện Núi Thành khai thác
đạt 44.000 tấn hải sản các loại, giá trị gần 1.800 tỷ đồng. Kinh tế biển
phát triển đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 26.000 lao động
tại địa phương, ngày càng có nhiều hộ ngư dân vươn lên làm giàu. Năm
2017, địa phương đặt mục tiêu khai thác đạt 50 nghìn tấn hải sản các
loại. Để giúp ngư dân có điều kiện vươn khơi, bám biển dài ngày, bên
cạnh việc hỗ trợ kinh phí đóng mới tàu thuyền có công suất lớn bằng vốn
vay ưu đãi, chính quyền và các ngành chức năng còn tạo điều kiện, động
viên ngư dân thành lập ngày càng nhiều tổ, đội đoàn kết để hỗ trợ lẫn
nhau.
Bà Huỳnh Thị Mỹ Dung, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quang,
huyện Núi Thành nhấn mạnh: “Tuy ra đời chưa lâu nhưng các tổ, đội đoàn
kết thuộc các nghiệp đoàn nghề cá của ngư dân địa phương đã hỗ trợ nhau
trong quá trình làm ăn trên biển. Sự đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau của các
tổ, đội đoàn kết trên biển góp phần giúp ngư dân yên tâm bám biển, bảo
vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Thượng tá
Nguyễn Văn Búp, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Kỳ Hà cho hay:
“Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9/2/2015 của Thủ tướng Chính phủ về
tổ chức thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh
thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, Đồn Biên phòng cửa
khẩu Cảng Kỳ Hà đã phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức thành
lập một tổ đoàn kết làm ăn trên biển để vừa khai thác có hiệu quả nguồn
lợi kinh tế, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.