Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, 100% số tàu hoạt động ở vùng biển xa bờ của tỉnh tham gia tổ hợp tác khai thác thủy sản; 50% tàu khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng tham gia tổ hợp tác khai thác thủy sản trên biển; 100% tàu cá công suất từ 45CV trở lên được trang bị đầy đủ phao cứu sinh.
Nghệ An hiện có nhiều tàu có công suất dưới 20CV (loại tàu này chủ yếu là thuyền mủng, bè mảng, chưa đăng ký, lắp động cơ khai thác hải sản vùng nước gần bờ; trang thiết bị đảm bảo an toàn khi hoạt động trên biển chưa được trang bị đầy đủ). Do điều kiện kinh tế khó khăn, nhận thức của ngư dân còn hạn chế, một số chủ tàu chưa thấy hết tác dụng của việc trang bị máy thông tin tàu cá, nên số lượng tàu thuyền có máy thông tin liên lạc theo quy định còn thiếu, đặc biệt là số tàu cá hoạt động gần bờ (dưới 10 hải lý). Các tàu này chủ yếu liên lạc với nhau bằng điện thoại di động, gây khó khăn cho chỉ đạo khai thác và quản lý thông tin nghề cá, đặc biệt là khi có bão và áp thấp nhiệt đới.
Nghệ An phấn đấu đến năm 2020, 100% số tàu hoạt động ở vùng biển xa bờ của tỉnh tham gia tổ hợp tác khai thác thủy sản. Ảnh: Nguyễn Văn Nhật/TTXVN |
Khắc phục tình trạng trên, tỉnh Nghệ An đang giao ngành thủy sản phối hợp với các địa phương và các ngành chức năng tổ chức tập huấn, tuyên truyền đến 100% các chủ phương tiện, thuyền trưởng hoạt động trên biển nắm và hiểu được pháp luật về chủ quyền biển, đảo và các kiến thức, kinh nghiệm và biện pháp phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; xây dựng các mô hình điểm khai thác thủy sản, các tổ hợp khai thác thủy sản hiệu quả gắn với bảo vệ, hỗ trợ nhau trên biển của các chủ tàu thuyền.
Tỉnh Nghệ An cũng phát huy vai trò của Bộ đội Biên phòng tuyến biển, coi đây là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh vùng biển đảo, là lực lượng chủ lực trong tham gia tìm kiếm cứu nạn trên biển, tạo thuận lợi cho nhân dân phát triển kinh tế biển.
Tại Nghệ An, nghề khai thác thủy sản trên biển là nghề chính của nhiều người dân tại các địa phương ven biển. Năm 2016, do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển tại các tỉnh miền Trung, nghề khai thác thủy sản của tỉnh phát triển khó khăn, sản phẩm khai thác khó tiêu thụ. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay nghề khai thác thủy sản đang bắt đầu phục hồi; nhiều chủ tàu đã có những chuyến đi biển, xa bờ cho hiệu quả kinh tế cao.
Đầu năm 2017 đến nay ngư dân Nghệ An khai thác được trên 38.555 tấn thủy sản, tăng 11,13% so với cùng kỳ năm 2016; thu nhập bình quân của ngư dân cũng được nâng cao, trong đó có những chuyến biển của ngư dân đạt thu nhập trên 230 triệu đồng, lãi 80 triệu đồng.