Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng giúp nâng cao giá trị và thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành thủy sản phát triển theo hướng bền vững.
Cấp thiết giảm tổn thất sau thu hoạch
Tàu cá của ngư dân vào cửa biển thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải sau chuyến đi biển. Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN |
Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, hạn chế lớn nhất hiện nay trên các tàu cá của Việt Nam vốn chủ yếu tàu vỏ gỗ, là thiếu hệ thống bảo quản sản phẩm đạt tiêu chuẩn, khiến tổn thất sau khai thác thủy sản ở mức rất cao từ 20% – 30%.
Hiện nay, hầu hết tàu cá vẫn bảo quản thủy sản theo truyền thống, đó là dùng hầm chứa đá lạnh có nhiệt độ dao động từ 0 - 5 độ C, thời gian bảo quản tốt nhất không quá 10 ngày. Trong khi đó, mỗi chuyến biển của các tàu khai thác hải sản xa bờ kéo dài từ 20 - 25 ngày.
Hải sản lưu giữ trên tàu dài ngày không những bị tổn thất, mà chất lượng cũng bị ảnh hưởng khi về đến bờ. Bên cạnh đó, đá lạnh thường có cạnh sắc nhọn làm tổn thương đến da cá, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập sâu vào thịt cá, khiến chất lượng bị sụt giảm.
Trong số các loại hải sản có giá trị kinh tế cao, cá ngừ đại dương được xem là một trong những loại khó bảo quản nhất, do chuyến biển đánh bắt loại cá này dài từ 20 – 25 ngày, cá có trọng lượng lớn phổ biến từ 30 – 40 kg/con và quy trình, kỹ thuật bảo quản cá khá phức tạp ngay từ khi vừa đánh bắt được. Trong khi đó, các sản phẩm từ cá ngừ đại dương được xuất khẩu sang nhiều thị trường “khó tính”, nên chất lượng là yếu tố quyết định giá trị của loại cá này.
Ngư dân Trần Văn Đạt, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa làm nghề đánh bắt cá ngừ đại dương cho biết, khi chất lượng cá ngừ đại dương tốt, doanh nghiệp không những thu mua với giá cao mà còn thưởng thêm tiền cho các chủ tàu. Qua đó, khuyến khích ngư dân không chỉ chú trọng đến sản lượng, mà còn quan tâm đến việc bảo quản cá ngừ đại dương sao cho đạt chất lượng càng cao càng tốt.
Hiện nay, ngư dân các tỉnh miền Trung làm nghề đánh bắt cá ngừ đại dương đang đầu tư mạnh cho công nghệ bảo quản, nhằm nâng cao chất lượng và giá trị cho loại cá này. Điển hình là hệ thống bảo quản bằng nước biển lạnh được ứng dụng trên tàu cá vỏ thép và composite. Hệ thống này làm lạnh nước biển đến 0 độ C, giúp bảo quản cá ngừ đại dương dài ngày đạt chất lượng tốt hơn so với bảo quản bằng đá lạnh.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng đang chuyển giao công nghệ đóng hầm bảo quản hải sản bằng nhựa tổng hợp Polyurethane (Pu Foam) trên tàu cá đánh bắt xa bờ. Loại hầm bảo quản này giúp tăng thời gian bảo quản từ 7 ngày lên trên 20 ngày nhưng chất lượng các loại hải sản vẫn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, trong khi hầm trữ đá chỉ hao hụt dưới 5%.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 48/NQ-CP về cơ chế chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với hàng nông sản và thủy sản. Theo đó, đối với thủy sản giảm tổn thất cả về số lượng và chất lượng từ 20 – 30 % như hiện nay xuống dưới 10% vào năm 2020. Các chính sách hỗ trợ bảo quản sản phẩm trên tàu cá nhằm giảm tổn thất cũng đã được đề ra, tùy vào từng loại nghề, kích cỡ tàu cần có công nghệ bảo quản phù hợp.
Đối với nghề lưới kéo khai thác nhiều chủng loại, kích cỡ khác nhau, hải sản cần được rửa sạch, phân loại sơ bộ, xếp khay ướp đá. Đối với nghề lưới rê và lưới vây, sản phẩm tương đối đồng đều về kích cỡ, có thể bố trí các hầm lạnh chứa nước biển lạnh tuần hoàn để bảo quản. Đối với nghề đòi hỏi chất lượng cao như cá ngừ đại dương, có thể áp dụng đá sệt từ nước biển để bảo quản. Sử dụng máy cấp đông trên tàu cá đối với nghề câu mực…
Hiện đại hóa đội tàu khai thác xa bờ
Đưa con cá ngừ vây xanh ra khỏi hầm bảo quản trên tàu. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN |
Cả nước hiện có trên 110.000 tàu cá, trong đó có khoảng 31.000 tàu đánh bắt hải sản xa bờ. Tàu cá vỏ gỗ vẫn đang chiếm tỷ lệ gần như tuyệt đối. Tàu này có tuổi thọ và an toàn thấp, máy và trang thiết bị trên tàu vừa thiếu vừa không đồng bộ.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong những năm tới phát triển nghề khai thác hải sản xa bờ, trong đó có khai thác viễn dương, được xác định là một trong những hướng đi chính trong chiến lược phát triển kinh tế biển.
Để thực hiện được mục tiêu này, cần phải dần thay thế đội tàu cá vỏ gỗ bằng tàu vỏ thép và composite được trang bị các thiết bị hiện đại và đồng bộ. Tàu vỏ thép có nhiều ưu điểm hơn hẳn so với tàu vỏ gỗ như: độ bền cao, kín nước, hầm bảo quản hiện đại, có khả năng làm nhiều nhiệm vụ trên biển. Thế nhưng, cả nước hiện mới có 332 tàu cá loại này. Nhiều tàu cá vỏ thép trong số này được đóng từ năm 2014 đến nay theo Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
Ông Lê Văn Chương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đóng tàu Nha Trang cho biết: Ngư dân đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67/NĐ-CP đang ngày càng tăng, nhất là ở các tỉnh có nghề đánh bắt hải sản xa bờ phát triển như: Quảng Ngãi, Bình Định… Những tàu cá vỏ thép đóng theo Nghị định 67/NĐ-CP đã hạ thủy khai thác rất hiệu quả, có tàu đạt doanh thu 3 – 4 tỷ đồng một năm.
Tương tự, so với tàu vỏ gỗ, tàu composite cũng có nhiều ưu điểm hơn như: ít tốn chi phí và thời gian bảo dưỡng, dễ dàng ứng dụng công nghệ bảo quản và trang thiết bị hiện đại, tuổi thọ đến 30 năm, phù hợp với tất cả các nghề khai thác hải sản. Nhưng cả nước hiện mới có 115 tàu composite, trong đó phần lớn là của ngư dân các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận… đóng mới theo Nghị định 67/NĐ-CP. Theo nhận định, tàu composite có triển vọng phát triển nhất so với các tàu đóng bằng vật liệu khác, do ngư dân các tỉnh miền Trung và phía Nam đang đẩy mạnh phát triển đội tàu loại này.
Đại diện Chi cục Thủy sản Ninh Thuận cho biết, xu hướng chọn composite thay thế vật liệu gỗ đã trở thành phổ biến, chiếm ưu thế thực sự. Ngư dân Ninh Thuận đã đăng ký đóng tàu composite vượt cả khả năng tiếp nhận của các cơ sở đóng tàu loại này. Điều này cho thấy, tư duy của ngư dân đã chuyển biến rõ nét, xu hướng chọn composite thay thế vật liệu gỗ đã trở thành phổ biến, chiếm ưu thế thực sự.
Theo ông Nguyễn Văn Đạt, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy, Trường Đại học Nha Trang, đơn vị đóng tàu composite, điều kiện cho sự phát triển của tàu cá vỏ composite ở Việt Nam đã rõ nét. Số lượng tàu cá vỏ composite được sản xuất từ năm 2014 đến nay đã nhiều hơn số tàu cùng loại ra đời trong 25 năm trước đó.
Hạn chế lớn nhất trong việc phát triển đội tàu cá hiện đại vỏ thép và composite là chi phí để đóng mới các loại tàu này còn cao, bình quân khoảng 12 - 14 tỷ đồng/chiếc, tùy kích cỡ và trang thiết bị trên tàu. Theo các đơn vị đóng tàu, giá thành tàu vỏ thép và composite sẽ giảm nếu như ngư dân đóng hàng loạt loại tàu này với những mẫu đã được thiết kế sẵn.
Bên cạnh phát triển đội tàu cá hiện đại đánh bắt xa bờ đóng bằng vật liệu mới, ngư dân cũng được hỗ trợ đầu tư thiết bị hiện đại và đồng bộ, trong đó tập trung trang bị các loại máy trực canh, giám sát tàu cá, radar hàng hải và nhất là các máy dò tìm đàn cá như: Máy dò ngang sonar, thiết bị dò và báo cáo sản lượng cá tập trung để khai thác.
Ông Nguyễn Văn Tính, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường Vĩnh Thọ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa có tàu công suất lớn làm nghề lưới kéo được trang bị máy dò ngang sonar, cho biết: Máy dò ngang sonar như “mắt thần” đặt dưới ky tàu, giúp ngư dân biết thông tin về đàn cá có độ tin cậy cao, hiệu quả kinh tế mỗi chuyến biển tăng khoảng 150%. Hiện nay, nhiều ngư dân trang bị loại máy này cho các tàu cá làm nghề vây rút, lưới kéo…
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, vụ cá Nam năm 2017 bắt đầu từ tháng 4 này, ngành thủy sản tập trung đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đồng thời hướng dẫn cho ngư dân những công nghệ mới nhất để làm tăng hiệu quả khai thác thủy sản. Trong đó, chú trọng công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, đóng mới, cải hoán tàu cá, cập nhật kỹ thuật mới từ các nước để phổ biến cho ngư dân...