Từ đầu năm đến nay, Gò Công Đông đã khai thác được trên 30.000 tấn hải sản các loại đáp ứng thị trường trong nước và chế biến xuất khẩu, tăng hơn 1.150 tấn so với cùng kỳ năm trước và đạt hơn 50% chỉ tiêu cả năm. Năm 2021, Gò Công Đông đặt mục tiêu khai thác trên 60.000 tấn hải sản các loại.
Là huyện có bờ biển trên 20 km, dài nhất tỉnh Tiền Giang, án ngữ vàm cửa Tiểu trên sông Tiền ở phía Nam và cửa Soài Rạp trên sông Soài Rạp ở phía Bắc, Gò Công Đông có nghề khai thác biển truyền thống từ lâu đời với đội tàu đánh bắt hùng hậu, thu hút lao động việc làm, đảm bảo an sinh xã hội địa bàn khó khăn. Để khai thác tốt tiềm năng và lợi thế huyện miền biển, Gò Công Đông đã chú trọng quy hoạch ngành nghề, khuyến khích ngư dân chuyển từ đánh bắt truyền thống gần bờ sang vươn khơi xa bám biển, tổ chức khai thác hợp lý nguồn lợi biển vừa khẳng định được chủ quyền biển đảo quê hương.
Để nghề biển mang lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, huyện quan tâm hỗ trợ ngư dân đầu tư đóng mới và nâng cấp phương tiện, kiện toàn trang thiết bị hiện đại phục vụ đánh bắt nhằm tăng năng suất, sản lượng, liên kết trong khai thác biển thông qua hợp tác giữa các phương tiện để hình thành các tổ, đội khai thác xa bờ…
Thực hiện chủ trương trên, từ năm 2015 đến nay, tại Gò Công Đông đã có 24 phương tiện có tham gia khai thác, dịch vụ hải sản vùng biển xa được hỗ trợ tổng số tiền trên 108 tỷ đồng theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Nguyễn Văn Quí cũng cho biết, trong tương lai, địa phương khuyến khích chuyển đổi ngành nghề khai thác gần bờ sang đánh bắt xa bờ trong nỗ lực phát triển thế mạnh khai thác biển một cách bền vững và hiệu quả vừa bảo vệ được nguồn lợi thủy sản tại địa phương.