Khai thác bền vững lợi thế biển đảo Nghi Sơn - Bài 2: Hình thành chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ hải sản

Phường Hải Bình là địa phương đi đầu thực hiện Chương trình phát triển kinh tế biển của thị xã Nghi Sơn. Đặc biệt, nơi đây đã và đang tập trung hình thành chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ hải sản mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chú thích ảnh
Ngư dân chuyển cá vào bờ, chuẩn bị mang đi tiêu thụ. Ảnh tư liệu: Quang Quyết/TTXVN

Tận dụng lợi thế tạo đột phá

Trước năm 2000, xã Hải Bình (cũ) là bán đảo cách biệt với bên ngoài, bởi phía Đông giáp biển, lại có sông Bạng bao bọc cả vùng gần như khép kín. Do vậy, muốn đến các vùng lân cận, người dân nơi đây phải đi qua đò rất vất vả và nguy hiểm. Bù lại, vùng đất này có cửa Lạch Bạng nối thông với Vịnh Bắc Bộ nên tàu thuyền từ đất liền vươn khơi thuận tiện, cũng như là chỗ neo đậu tránh bão rất an toàn.

Chính vì đặc điểm địa lý đó, nghề đánh bắt và chế biến hải sản của Hải Bình đã phát triển và nổi tiếng từ bao đời nay. Trai gái ở đây từ 15 tuổi đã thành thạo nghề biển, làm nước mắm, mắm tôm và chế biến các loại tôm, cá… thành hàng hóa, được giao thương rộng rãi trên cả nước.

Đặc biệt là từ khi Cảng cá Lạch Bạng đi vào hoạt động có quy mô gần 1.000 tàu thuyền neo đậu, cùng với 2 cầu vượt sông được xây dựng và các chợ đầu mối hình thành, giúp phường Hải Bình tận dụng “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để tạo sự đột phá phát triển kinh tế biển toàn diện và vững chắc.

Từ một làng biển thuần phác của khu vực Bắc Trung Bộ, Hải Bình đã vươn lên trở thành một vùng đất trù phú với tốc độ đô thị hóa nhanh nhất trong số các phường, xã của thị xã Nghi Sơn. 100% hộ gia đình của Hải Bình có nhà ở từ cấp 4 trở lên. Kết cấu hạ tầng nội phường điện - đường - trường - trạm đều đồng bộ  kiên cố hóa và quy hoạch khá hợp lý.

Theo Báo cáo Đại hội Đảng bộ phường Hải Bình lần thứ 37 (nhiệm kỳ 2020-2025), trong 5 năm (2015-2020), tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 15,3%; giá trị sản xuất bình quân của phường vượt 3,3% so với mục tiêu đề ra. Tổng giá trị thu nhập các ngành, nghề lên tới 1.685 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 36 triệu đồng, tăng 87,5% so với năm 2015. Công tác giảm nghèo và thực hiện chính sách an sinh xã hội triển khai hiệu quả, giúp cho cuộc sống của người dân được cải thiện vượt bậc, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,9%.  

Tạo lập mối liên kết “cộng sinh”

Lý giải về “Chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ  hải sản hiệu quả kinh tế cao”, Chủ tịch UBND phường Hải Bình Trần Văn Sơn cho biết: Chương trình trọng tâm mà Đảng bộ phường đề ra là phát triển kinh tế nghề cá kết hợp với kinh doanh dịch vụ. Như vậy, địa phương phải tạo lập được mối liên kết “cộng sinh” giữa nghề khai thác, nuôi trồng thủy hải sản, dịch vụ thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Để tạo lập được mối liên kết đó, trước hết, phường có các chính sách hỗ trợ, động viên ngư dân đầu tư, hoán cải phương tiện đánh bắt có công suất lớn và ngư cụ tiên tiến, áp dụng khoa học kỹ thuật nâng cao năng lực và hiệu quả khai thác, đảm bảo đánh bắt dài ngày ở nhiều vùng biển với nhiều loại hải sản, trong đó tăng cường khai thác ở vùng biển khơi xa.

Theo lời anh Nguyễn Văn Hiến, khu dân cư Liên Đình, gia đình anh có một tàu đánh bắt hải sản công suất 400 CV, mỗi chuyến ra khơi mất từ 5-7 ngày, riêng chi phí dầu chạy máy đã lên tới 100 triệu đồng. Việc tham gia Tổ liên kết trên biển đã giúp giảm được 30% chi phí.  Đó là nhờ Tổ có sáng kiến trước khi vươn khơi, chỉ cử 1 tàu ra thăm dò trước ngư trường, khi phát hiện ra tọa độ cá tập trung đông mới thông tin về đất liền để các tàu kịp thời ra đánh bắt.

Tính đến tháng 4/2020, Hải Bình đã có 115 tàu thuyền, tăng 55 tàu thuyền so với năm 2015; sản lượng đánh bắt bình quân hàng năm 2.700 tấn. Đây chính là nguồn nguyên liệu thường xuyên, được bổ sung thêm một lượng dồi dào từ các tàu của các địa phương khác vào bán ở Cảng cá Lạch Bạng. Riêng các phương tiện thu mua hải sản, cung ứng nguyên vật liệu, lương thực và thực phẩm cho các phương tiện đánh bắt xa bờ của phường lên tới 92 tàu, sản lượng trung bình mỗi năm thu mua 100.000 tấn, giúp các chủ tàu tăng thời gian bám trụ trên biển lên gấp đôi so với trước, vừa giảm đáng kể chi phí đánh bắt xa bờ.

Các cơ sở chế biến cũng mọc lên “như nấm sau mưa”, sản lượng đạt 26.000 tấn/năm, giải quyết việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho trên 1.500 lao động. Bên cạnh đó, địa phương còn có 415 cơ sở kinh doanh dịch vụ, thương mại với hàng nghìn lao động, bình quân đạt giá trị 80 tỷ đồng. Các doanh nghiệp ở đây đã tạo dựng được thương hiệu các mặt hàng hải sản chất lượng cao xuất khẩu, như Công ty Long Hải, Sông Việt, Ngọc Sơn; riêng chế biến nước mắm đạt trên 1 triệu lít/năm.

Ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của Hải Bình phát triển đáng kể, nhất là các xưởng sửa chữa tàu thuyền, gia công cơ khí với 700 lao động tham gia, giá trị sản xuất trung bình 48 tỷ đồng/năm.

Diện tích tự nhiên của Hải Bình vẻn vẹn 9,54 km2, quy mô dân số 14.774 người, mật độ dân số lên tới 1.549 người/km2. Việc thu hút đầu tư, xây dựng hiện đại cơ sở hạ tầng và đảm bảo vệ sinh môi trường đang là vấn đề nan giải hiện nay ở phường. Với những kinh nghiệm đút rút được sau 10 năm phát triển kinh tế biển, với đội ngũ cán bộ đảng viên “vừa hồng vừa chuyên”, trong đó 95,6% cán bộ, công chức có trình độ đại học; 69,6% trình độ lý luận trung cấp chính trị, trong thời gian không xa, phường Hải Bình sẽ là điểm sáng của thị xã Nghi Sơn về phát triển kinh tế biển bền vững.

Bài cuối: Để Cảng cá Lạch Bạng là 'Bến đỗ bình yên'

Văn Hào (TTXVN)
Khai thác bền vững lợi thế biển đảo Nghi Sơn-Bài cuối: Để Cảng cá Lạch Bạng là 'Bến đỗ bình yên'
Khai thác bền vững lợi thế biển đảo Nghi Sơn-Bài cuối: Để Cảng cá Lạch Bạng là 'Bến đỗ bình yên'

Kể từ khi đi vào hoạt động (tháng 1/2004), Cảng cá Lạch Bạng, huyện Tĩnh Gia - nay là thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) trở thành điểm trung chuyển thiết yếu các loại thủy - hải sản của ngư dân và thương lái trong khu vực miền Trung.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN