Phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá, Hiệp hội tuy mới hoạt động 4 năm, nhưng đã làm được nhiều việc như thay đổi tuy duy nuôi biển hướng đến ngành công nghiệp nuôi biển.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, khai thác trên biển không thể tăng lên mãi mà phải bảo tồn, do đó có thể phát triển thủy sản trên biển bằng nuôi biển. Nuôi biển đang có sự phát triển rất nhanh. Hi vọng Hiệp hội sớm định hình ngành công nghiệp nuôi biển, góp phần xây dựng nghề cá công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thời gian tới, Hiệp hội cần phối hợp tốt hơn với Tổng cục Thủy sản, tạo sinh lực cho ngành thủy sản phát triển. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tạo thuận lợi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nuôi biển vươn xa, để vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo an ninh quốc phòng.
Ông Nguyễn Quốc Ánh, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho biết, trong nhiệm kỳ II, Hiệp hội xác định giai đoạn 2020-2025 là giai đoạn bản lề rất quan trọng xây dựng ngành công nghiệp nuôi biển Việt Nam. Ban Chấp hành Hiệp hội sẽ tập trung hỗ trợ cộng đồng hội viên giải quyết những khó khăn, tháo gỡ mướng mắc để huy động tối đa 6 nguồn lực cơ bản: chính sách; vốn và tín dụng; khoa học công nghệ; nguồn nhân lực chất lượng cao; liên kết toàn chuỗi giá trị nuôi biển; tích hợp với các ngành kinh tế khác và an ninh quốc phòng.
Hiệp hội sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có Đề án phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam đến năm 2030.
Với mục tiêu phát triển nuôi biển ứng dụng công nghệ cao, Hiệp hội sẽ tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ hội viên tiếp cận các công nghệ mới xây dựng các mô hình nuôi biển công nghiệp tiên tiến cho các nhóm sản phẩm chủ lực như: cá biển, nhuyễn thể hai mảnh vỏ; giáp xác, rong tảo, vi tảo…
Hiệp hội tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành về các chính sách tín dụng ưu đãi; tháo gỡ những điểm nghẽn về chính sách phát triển nuôi biển như quy định về giao các khu vực biển cho tổ chức, cá nhân sử dụng… Hiệp hội cũng chủ động tìm kiếm, phối hợp với các nguồn tín dụng phát triển nước ngoài để hỗ trợ hội viên triển khai dự án; phối hợp với các tổ chức quốc tế về áp dụng và đạt các tiêu chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường.
Trong nhiệm kỳ I, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đã góp phần quan trọng làm thay đổi tư duy về nuôi biển. Hiệp hội đã chủ động và tích cực phát triển hội viên, xây dựng Hiệp hội trở thành nòng cốt của cộng đồng nuôi biển Việt Nam. Hiệp hội đã kết nối các nguồn lực nhằm hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh, tiếp cận và áp dụng những thành tựu công nghệ mới về nuôi biển.
Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam nhiệm kỳ II (2020-2025) với 29 đại biểu.