Từ đó, hướng tới mục tiêu gỡ cảnh báo “thẻ vàng" IUU của Ủy ban châu Âu (EC), góp phần phát triển ngành thủy sản Việt Nam bền vững, đảm bảo lợi ích của người dân, của quốc gia.
Chuyển biến tích cực
Tại tỉnh ven biển Sóc Trăng, với ba cửa sông lớn đổ ra biển Đông là Trần Đề, Định An và Mỹ Thanh cùng 72 km bờ biển là vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn có trữ lượng thủy sản dồi dào, tỉnh có điều kiện thuận lợi để phát triển nghề khai thác biển và dịch vụ hậu cần nghề cá.
Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng cho biết, Chi cục phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông đã tăng cường tổ chức kiểm tra tình trạng kết nối của các thiết bị nhằm xác định rõ nguyên nhân xảy ra lỗi mất kết nối. Từ đó, yêu cầu đơn vị cung cấp kịp thời hỗ trợ người dân sửa chữa, khắc phục. Tính đến nay, tất cả tàu cá có chiều dài trên 15m của tỉnh đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, việc cung cấp các dịch vụ được đảm bảo liên tục, hiệu quả.
Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng chỉ đạo các đồn, trạm, hải đội tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật và Luật Thủy sản 2017 đến ngư dân tham gia hoạt động nghề cá. Nhờ vậy, hiện có 368 tàu cá đánh bắt xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài cũng như những quy định liên quan chống khai thác IUU. Các tàu cá ra, vào cảng đều thực hiện khai báo theo quy định và cơ bản chấp hành tốt việc ghi chép nhật ký khai thác.
Làm nhiệm vụ trên vùng biển Tây Nam Tổ quốc, Vùng 5 Hải quân thường xuyên tổ chức có hiệu quả các hoạt động phòng, chống IUU. Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng, Kiểm ngư, Cảnh sát biển, Chi cục Thủy sản các địa phương và UBND cấp xã đến từng gia đình để tuyên truyền, vận động chủ tàu chấp hành nghiêm pháp luật về thủy sản khi cho tàu cá hoạt động trên biển.
Ngư dân Võ Minh Hùng, phường Pháo Đài, thành phố Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) chia sẻ: “Nhờ cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân cùng các cơ quan chức năng, ngư dân chúng tôi cùng bảo ban nhau tuân thủ nghiêm quy định pháp luật của nhà nước, tuyệt đối không khai thác thủy sản xâm phạm vào vùng biển nước ngoài, vùng giáp ranh. Chúng tôi nhận thức việc thực hiện tốt nghĩa vụ của mình góp phần giúp gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC, đảm bảo phát triển ổn định ngành thủy sản,…”
Nhằm góp phần nỗ lực cùng với các cấp, các ngành và toàn hệ thống chính trị ngăn chặn, chấm dứt hoàn toàn hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang phối hợp cùng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 thường xuyên quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về biển, đảo cho cán bộ, đảng viên và ngư dân bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sinh động.
Qua đó, nâng cao nhận thức cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng, ngư dân, quản lý cảng cá, chủ cơ sở doanh nghiệp, tàu thu mua thủy sản… về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến biển, đảo.
Vào cuối tháng 4/2023 vừa qua, tại 5 xã, thị trấn: Mỹ Lâm, Sóc Sơn (Hòn Đất); Tây Yên, Nam Yên (An Biên); Vân Khánh (An Minh), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang phối hợp cùng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 triển khai các hoạt động tuyên truyền chống khai thác IUU kết hợp các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn.
Tạo sự lan tỏa sâu rộng
Theo Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đăng Tiến, Chính ủy Vùng 5 Hải quân, thời gian tới, Vùng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền biển, đảo, phổ biến kiến thức pháp luật, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là ngư dân. Với phương châm hành động “bám dân, bám tàu, bám biển, bám sát đối tượng”, cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 sẽ có những đóng góp thiết thực nhất trong phòng ngừa, ngăn chặn và chống khai thác IUU trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.
Thực tế, cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân đã luôn chủ động khắc phục khó khăn, tích cực tuyên truyền, vận động con ngư dân nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, tích cực hưởng ứng quyết liệt chống khai thác IUU bằng những việc làm cụ thể, như: bảo đảm đầy đủ các thủ tục hành chính trước khi đưa tàu đi đánh bắt, mở liên tục thiết bị giám sát hành trình tàu cá trong suốt thời gian đánh bắt cá trên biển, thực hiện đúng quy định về cập cảng, chấp hành việc giám sát lên hàng của cơ quan chức năng,…
Tại thành phố đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, chính quyền địa phương đã ký kết quy chế và kế hoạch phối hợp với các huyện, thành phố và Chi cục Thủy sản Kiên Giang trong việc tuần tra, kiểm soát, xử lý tàu cá vi phạm IUU trên địa bàn tỉnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Phú Quốc Đoàn Văn Tiến, sắp tới, Phú Quốc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân, nhất là chủ tàu cá, thuyền trưởng, bà con ngư dân những nội dung cốt lõi của Luật Thủy sản 2017 và các vấn đề có liên quan, tập trung hành động chống IUU với tinh thần quyết liệt mạnh mẽ.
Ngoài ra, Phú Quốc tiếp tục chỉ đạo các lực lượng, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền địa phương hành động quyết liệt, đồng bộ mạnh mẽ các giải pháp cấp bách, góp phần khắc phục “Thẻ vàng” của EC và ngăn chặn tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép. Thành phố phối hợp với các lực lượng chức năng, đơn vị có liên quan tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm của tàu cá trên ngư trường. Quản lý chặt chẽ tàu cá, đặc biệt đối với tàu đánh bắt xa bờ,…
Tại tỉnh Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh giao các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tiếp tục truyền thông về việc tuân thủ các quy định pháp luật về IUU. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Qua đó, rà soát, tổng hợp, thống nhất số liệu, chuẩn bị kỹ hồ sơ, tài liệu liên quan và nhân lực có chuyên môn, nghiệp vụ để tiến tới làm việc với đoàn thanh tra của EC.
Tỉnh Cà Mau tăng cường mở các đợt cao điểm, có sự phối hợp, tham gia tích cực của liên ngành, liên tỉnh trong công tác tuần tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm tàu cá vi phạm các quy định về khai thác IUU, nhất là các vi phạm liên quan đến thiết bị VMS, vi phạm vùng biển nước ngoài, không làm thủ tục chuyển nhượng tàu cá khi sang bán.
Đối với tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, lập danh sách, có giải pháp theo dõi chặt chẽ các cá nhân (chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên và người thân trong gia đình) đã vi phạm vùng biển nước ngoài chấp hành án xong về nước tiếp tục tham gia hoạt động khai thác thủy sản.
Đồng thời, triển khai thường xuyên, đột xuất công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động thủy sản trên vùng biển của tỉnh, liên tỉnh; đồng thời, phối hợp với các lực lượng chấp pháp trên biển kịp thời phát hiện, xử lý các tàu cá của tỉnh hoạt động tại vùng khơi, vùng giáp ranh…