Nâng cao năng lực khai thác hải sản
Xã biển Thanh Hải, huyện Ninh Hải có nghề cá truyền thống với khoảng 65% cư dân chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực khai thác, nuôi trồng thủy sản. Những năm trước đây, tuy có tiềm năng phát triển kinh tế biển nhưng do nguồn lực hạn chế, số tàu thuyền công suất nhỏ còn chiếm tỷ lệ khá cao, các tiến bộ kỹ thuật chậm được áp dụng vào trong khai khác nên hiệu quả khai thác hải sản đạt thấp.
Thực hiện chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ, đặc biệt từ khi có Nghị định 67/2014/NĐ-CP, Nghị định 89/2015/NĐ-CP và Nghị định 17/2018/NĐ-CP ra đời cùng các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của tỉnh, ngư dân ở xã đã tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, mạnh dạn đăng ký đóng mới, nâng cấp các tàu cá với trang thiết bị máy móc hàng hải hiện đại. Nhờ đó, năng lực khai thác tàu cá của xã không ngừng tăng lên, đến nay, trong tổng số gần 400 phương tiện khai thác hải sản có 98 tàu cá dài 15 mét trở lên, riêng đội “tàu 67” dài 24 mét có 11 chiếc gồm 10 tàu cá khai thác xa bờ và 1 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá.
Ngư dân Nguyễn Văn Vinh (xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải), chủ “tàu 67” số hiệu NT 91359 TS, công suất 829 CV hành nghề lưới vây rút chì cho biết, trước đây tàu nhỏ nên gia đình không dám vươn xa. Được hỗ trợ vốn vay từ Nghị định 67, gia đình bỏ thêm vốn đầu tư đóng mới tàu cá vỏ composite dài 24 mét trị giá gần 13 tỷ đồng. Năm 2018, tàu bắt đầu vươn khơi, nhờ áp dụng công nghệ hiện đại vào khai thác nên mỗi chuyến biển đánh bắt được hàng chục tấn hải sản, sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi trên 1 tỷ đồng/năm.
Theo đánh giá của UBND xã Thanh Hải, đội “tàu 67” từ khi hạ thủy đến nay, các chủ tàu đã tích cực tham gia khai thác xa bờ. Bình quân mỗi năm khai thác sau khi trừ chi phí, các chủ “tàu 67” còn lãi từ 900 triệu đến trên 1 tỷ đồng. Có được điều này là nhờ các tàu được trang bị máy móc, ngư lưới cụ đồng bộ, hiện đại, cộng với nắm bắt kỹ thuật khai thác nên đội ‘tàu 67” của địa phương phát huy hiệu quả.
Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, ngư dân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã được vay ưu đãi gần 490 tỷ đồng để đầu tư 43 dự án đóng mới, nâng cấp “tàu 67” gồm 1 tàu vỏ thép, 24 tàu vỏ composite, 18 tàu vỏ gỗ; đến nay tất cả đã hạ thủy và đưa vào khai thác.
Bên cạnh đó, tỉnh phê duyệt 12 dự án tàu cá đóng mới theo Nghị định 17/2018/NĐ-CP; trong đó có 6 dự án đã đi vào hoạt động với tổng mức hỗ trợ đầu tư đóng mới tàu cá trên 33 tỷ đồng. Cùng với nâng cấp tàu cá, tỉnh hỗ trợ, chuyển giao các ứng dụng thiết bị hàng hải hiện đại như máy thông tin liên lạc VX - 1700, máy dò ngang Sonar, máy Rada hàng hải, thiết bị kết nối vệ tinh Movimar, máy thu lưới, thu câu, máy tời thủy lực...để nâng cao hiệu quả khai thác cho ngư dân.
Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận cho biết, cùng với hiện đại hóa đội tàu cá, Ninh Thuận chú trọng xây dựng các mô hình tổ, đội đoàn kết khai thác trên biển, tỉnh thành lập được 170 tổ với trên 1.000 tàu cá tham gia. Các tổ, đội tàu cá khai thác liên kết chặt chẽ với đội tàu cá hậu cần nhằm tăng thời gian bám biển, giảm chi phí các chuyến biển và tăng hiệu quả đánh bắt; đồng thời hỗ trợ nhau khi gặp sự cố thiên tai, tham gia cứu hộ cứu nạn trên biển.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, năng lực khai thác tàu cá của tỉnh không ngừng được tăng lên; trong đó có 776 tàu có chiều dài từ 15 mét trở lên đủ điều kiện vươn khơi khai thác hải sản theo quy định của Luật Thủy sản mới 2017 (hiệu lực từ 1/1/2019).
Đội tàu đánh bắt xa bờ mà nòng cốt là các “tàu 67” đã góp phần đưa sản lượng khai thác hải sản tăng nhanh, các loài cá, mực, tôm có giá trị kinh tế cao chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu hải sản khai thác. Từ đầu năm 2020 đến nay, tổng sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh đạt 118.690 tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ 2019, ông Đặng Văn Tín cho biết thêm.
Khai thác xa bờ theo hướng bền vững
Theo đánh giá của ngành thủy sản Ninh Thuận, đội tàu khai thác xa bờ đã tạo điều kiện thuận lợi giúp ngư dân đủ sức vươn khơi khai thác, bám biển, tăng thu nhập cho gia đình, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo tổ quốc. Tuy nhiên, bên cạnh mặt thuận lợi, nghề khai thác hải sản đang đối mặt với không ít khó khăn do thời tiết diễn biến thất thường, giá nhiên liệu tăng, thiếu lao động đi biển... khiến hoạt động khai thác gặp nhiều trở ngại.
Sản lượng khai thác hải sản đều tăng qua các năm nhưng khâu dịch vụ hậu cần nghề cá của tỉnh chưa phát triển đồng bộ, sản xuất vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, thiếu các mô hình liên kết bền vững trong sản xuất chế biến và tiêu thụ; sản phẩm chủ yếu chế biến thô như: cấp đông, phơi khô, chế biến nước mắm để tiêu thụ nội địa, xuất khẩu tiểu ngạch nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.
Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận cho biết, theo định hướng phát triển nghề cá giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Ninh Thuận tiếp tục tổ chức lại nghề khai thác hải sản theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu đội tàu và cơ cấu nghề khai thác vùng lộng một cách hợp lý; tăng năng lực đội tàu khai thác xa bờ theo hướng phát triển các nghề lưới vây, nghề câu, nghề chụp, lưới rê hỗn hợp để khai thác các loài hải sản ở vùng khơi cho giá trị kinh tế cao.
Bên cạnh đó, để xây dựng nghề cá phát triển bền vững, có trách nhiệm trong thời kỳ hội nhập quốc tế, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động tàu cá để góp phần khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản Việt Nam thông qua việc triển khai đồng bộ các giải pháp: Lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá để ngăn chặn, không xâm phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài, truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác, tăng cường tuyên truyền pháp luật khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi hải sản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Trong năm 2021, Ninh Thuận đề ra kế hoạch có 785 tàu dài từ 15 mét trở lên tham gia khai thác xa bờ, tổng sản lượng thủy sản khai thác đạt 113.500 tấn, khai thác hải sản xa bờ chiếm từ 65 - 70% sản lượng hải sản khai thác.
Để đạt mục tiêu đề ra, hiện nay, tỉnh đẩy mạnh phát triển dịch vụ đóng, sửa chữa tàu thuyền nâng cấp đội tàu khai thác xa bờ có chiều dài trên 15 mét; tiếp tục xây dựng, mở rộng các cảng cá, bến cá, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, sản xuất nhằm đa dạng hóa sản phẩm hải sản sau khai thác.
Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá theo hướng hiện đại, tỉnh Ninh Thuận tăng cường dự báo thông tin ngư trường khai thác vùng biển xa bờ, khu vực Trường Sa, khu vực nhà giàn DK1 để ngư dân chủ động xây dựng kế hoạch, di chuyển thuyền nghề khai thác hợp lý để đạt hiệu quả cao.