Đà Nẵng tái cơ cấu đội tàu, nâng cao giá trị khai thác hải sản xa bờ

Thời gian qua, cùng với những chính sách hỗ trợ của Trung ương, thành phố Đà Nẵng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ ngư dân đóng tàu công suất lớn, mua sắm ngư lưới cụ, trang thiết bị hiện đại để nâng giá trị khai thác hải sản xa bờ.

Đóng tàu cá cho ngư dân tại khu công nghiệp âu thuyền Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng.

Sự hỗ trợ này thực sự trở thành điểm tựa giúp ngư dân có thêm động lực, mạnh dạn đầu tư, cải hoán, đóng mới tàu vươn khơi bám biển khai thác xa bờ.

Theo ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng, các chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương tác động tích cực đến hoạt động khai thác hải sản và đời sống kinh tế của ngư dân thành phố Đà Nẵng. Bước đi đầu tiên của Đà Nẵng là thành lập Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng để gắn kết ngư dân trên bờ cũng như trên biển.

Đây là mô hình hợp tác giúp đỡ nhau trong khai thác, tiêu thụ sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm đánh bắt hải sản và hỗ trợ tìm kiếm, cứu nạn khi có sự cố trên biển. Đồng thời, góp phần bảo vệ, an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển. Từ năm 2006 đến nay, thành phố đã thành lập được 4 nghiệp đoàn nghề cá là An Hải Bắc, Nại Hiên Đông, Thanh Khê Đông và Xuân Hà với 96 tổ, đội liên kết trên biển cùng hơn 600 thành viên.

Với mong muốn có những con tàu công suất lớn vươn khơi, góp phần giảm áp lực khai thác ven bờ, năm 2012, thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định 7068/QĐ-UBND về chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ khai thác hải sản (sau đổi lại là Quyết định 47/QĐ-UBND).

Theo đó, tàu đóng mới từ 400 đến dưới 600 CV ngư dân được hỗ trợ bằng tiền mặt 500 triệu đồng/tàu; từ 600 đến dưới 800 CV được hỗ trợ 600 triệu đồng; trên 800 CV hỗ trợ 800 triệu đồng. Ngoài ra, các phí, lệ phí đăng kiểm đóng mới tàu thuyền được thành phố hỗ trợ hoàn toàn. Để được đóng mới tàu, ngư dân phải cam kết phải hoạt động trong 7 năm. Đến nay, đã có 51 con tàu được đóng mới hạ thủy, với tổng kinh phí hỗ trợ gần 29 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thành phố Đà Nẵng cũng hỗ trợ ngư dân mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên đối với các thuyền viên sản xuất trên các tàu có công suất từ 50 CV đến 90 CV. Từ năm 2012 đến nay, thành phố Đà Nẵng đã chi hỗ trợ cho 9.081 lượt thuyền viên với tổng số tiền 525 triệu đồng. Ngoài ra, thành phố đó còn hỗ trợ hầm bảo quản sản phẩm bằng vật liệu PU, khay bảo quản sản phẩm, chuyển đổi nghề, ứng dụng các trang thiết bị trong khai thác và hỗ trợ cho ngư dân không may gặp tai nạn trên biển.

Để ngành khai thác thủy, hải sản phát triển bền vững, Đà Nẵng hướng đến việc hình thành chuỗi liên kết từ khai thác, bảo quản, vận chuyển, thu mua, chế biến đến xuất khẩu. Theo đó, thành phố Đà Nẵng đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá theo hướng Trung tâm nghề cá của khu vực miền Trung với hạ tầng kỹ thuật hậu cần nghề cá tương đối hoàn chỉnh, khép kín tại Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang.

Trung tâm bao gồm các dịch vụ hậu cần như chợ đầu mối thủy sản, cơ sở đóng sửa tàu thuyền, đại lý xăng dầu, doanh nghiệp chế biến hải sản. Đến nay, sản lượng hải sản qua cảng cá Thọ Quang ước đạt gần 140.000 tấn/năm.

Triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách phá triển thủy sản, đến nay, Đà Nẵng đã phê duyệt cho 7 cá nhân đóng mới 7 tàu cá (5 tàu vỏ thép, 2 tàu vỏ gỗ). Tổng số tiền các ngân hàng thương mại cam kết cho các tổ chức cá nhân vay vốn đóng mới tàu cá là trên 118 tỷ đồng và đã giải ngân trên 86 tỷ đồng.

Hiện, các tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 trên địa bàn Đà Nẵng hoạt động đạt hiệu quả kinh tế, phát huy được vốn đầu tư. Các ngư dân đã trả nợ được vốn và lãi cho ngân hàng theo hợp đồng tín dụng, không bị nợ quá hạn, nợ xấu

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, ngoài những chính sách của Trung ương và thành phố đã ban hành, thời gian tới, thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục và triển khai các chính sách khác như: chính sách nhằm giảm áp lực khai thác ven bờ và bảo vệ nguồn thủy sản ven bờ.

Bên cạnh đó, thành phố Đà Nẵng sẽ có thêm chính sách hỗ trợ bảo quản để giảm tổn thất sản phẩm sau khai thác, bởi hiện nay trong khai thác xa bờ, dài ngày trên biển thì khâu bảo quản sau khai thác còn nhiều hạn chế, nên sản phẩm bị tổn thất và giảm chất lượng.

Ông Hồ Kỳ Minh cho hay, để tận dụng được các lợi thế và cơ hội do thị trường mang lại, ngành khai thác thủy sản Đà Nẵng cần giải quyết vấn đề vốn cho ngư dân, nâng cao được trình độ đánh bắt xa bờ và năng lực cạnh tranh tổng thể của sản phẩm chế biến. Trước mắt, trong giai đoạn 2016 – 2020, thành phố Đà Nẵng cần tập trung tái cơ cấu đội tàu khai thác thủy sản, duy trì ổn định sản lượng khai thác.

Thành phố cũng sẽ tập trung phát triển đội ngũ tàu dịch vụ hậu cần nghề cá để thực hiện dịch vụ hậu cần tiêu thụ sản phẩm hải sản cho ngư dân, phấn đấu đến năm 2020 đạt 15 chiếc và năm 2030 đạt 50 chiếc; nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động của các tổ, đội khai thác trên biển, phấn đấu đạt 100% tàu công suất 90CV trở lên tham gia tổ, đội và nghiệp đoàn nghề cá.

Năm 2020, thành phố Đà Nẵng phấn đấu sản lượng khai thác hải sản ước đạt 38.000 tấn và đạt 45.000 tấn vào năm 2030; đồng thời, tập trung đầu tư cảng Thọ Quang thành trung tâm nghề cá của thành phố, của khu vực và vịnh Mân Quang thành nơi trú bão cho tàu thuyền công suất lớn từ 400-1.000 CV.

Tin, ảnh: Đinh Văn Nhiều (TTXVN)
Cà Mau tạo điều kiện cho ngư dân đánh bắt xa bờ
Cà Mau tạo điều kiện cho ngư dân đánh bắt xa bờ

Tỉnh Cà Mau đang tích cực triển khai thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản, nhằm tạo điều kiện cho ngư dân đầu tư đóng mới tàu cá có công suất lớn và vươn khơi xa đánh bắt thủy sản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN