Theo ông Lưu Minh Đức, việc các tàu không thể cập bến, hoặc phải đi vòng xa mới có thể cập bến là do hệ thống luồng chưa được nạo vét, khơi thông dứt điểm.
Ông Nguyễn Đức Kết, Thuyền trưởng tàu Hoàng Vy 01 (tuyến Vân Đồn – Quan Lạn) bức xúc cho biết, khoảng tháng 5 - 6, phù sa bồi đắp nên bị cạn, tàu chạy khó khăn, phải vòng đi vòng lại theo con nước, mất nhiều thời gian. Cứ mỗi lần như vậy mất thêm từ 400.000 - 500.000 đồng tiền dầu. Hiện chưa có cơ quan chức năng tiến hành nạo vét, khơi thông tuyến luồng.
Không chỉ riêng người dân xã đảo Quan Lạn, tại xã đảo Minh Châu, huyện Vân Đồn việc đi lại đánh bắt thủy hải sản của người dân gặp không ít bất lợi do các tuyến luồng chưa được nạo vét.
Ông Vũ Thanh Minh, ngư dân nuôi trồng thủy sản xã Minh Châu, huyện Vân Đồn chia sẻ, khi nước thủy triều xuống, phương tiện đi lại khó khăn. Việc nạo vét luồng giúp tàu thuyền đi lại dễ dàng, không phải phụ thuộc vào con nước lên xuống. Khi bão gió tàu to có thể đi qua đây để tránh bão, tiết kiệm thời gian, chi phí cho ngư dân.
Theo tìm hiểu, người dân đi khai thác thủy hải sản, tàu vận tải đi tuyến Hạ Long – Cô Tô, khi muốn chạy về Quan Lạn để chuyển hàng thì phải đi vòng và thường bị đâm vào đá ngầm. Riêng nghề đánh bắt hải sản thường vào ban đêm, những tháng mùa đông trời sương mù đi lại nguy hiểm, đâm va thường xuyên khiến việc sửa chữa tốn kém.
Có mặt tại khu vực Ba Sao, xã Quan Lạn và khu vực bến cập tàu Cồn Trụi, xã Minh Châu, nước chỉ cao khoảng 40-60cm. Ca nô nhỏ đi qua khu vực Ba Sao thường xuyên bị mắc cạn phải xuống đẩy mới có thể di chuyển tiếp.
Theo ông Phạm Quốc Duyệt, nguyên cán bộ giao thông đường thủy cho biết, để du lịch của hai xã đảo Minh Châu và Quan Lạn phát triển, giao thông đường thủy là rất quan trọng. Mấy năm gần đây do biến đổi khí hậu, bãi cát bồi lắng nhiều, thủy triều nước cạn, tàu thuyền đi lại khó khăn.
Trong thời gian này, việc nạo vét luồng là rất cần thiết. Nếu không nạo vét luồng, những ngày nước cạn, tàu du lịch phải đậu cách đảo 1 – 2 km, mất thời gian của hành khách du lịch.
Huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được biết đến với tiềm năng phát triển kinh tế biển đảo. Tuy nhiên, nhiều yếu tố tự nhiên ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích phát triển của một số xã tuyến đảo xa đất liền, trong đó có tình trạng bồi lắng bùn cát trên nhiều luồng tuyến giao thông, ảnh hưởng đến quá trình giao thương hàng hóa, vận chuyển hành khách giữa đất liền ra các đảo.