Nằm trong vịnh Bái Tử Long và liền kề với di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch.
Vẫn tiềm ẩn
Huyện đảo Vân Đồn có địa hình đa dạng với rừng, biển, đảo đá xen lẫn đảo đất. Vì thế, Vân Đồn còn có những cánh rừng nguyên sinh, nhiều bãi biển đẹp hoang sơ như Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Bãi Dài...
Bãi biển Minh Châu lúc sáng sớm. |
Theo sử sách, mùa xuân năm 1149, vua Lý Anh Tông đã cho lập Trang Vân Đồn, thương cảng đầu tiên của Đại Việt trong việc giao thương buôn bán với các nước trong khu vực. Thương cảng Vân Đồn hoạt động phồn thịnh đến hết thời Hậu Lê. Các dấu tích minh chứng cho điều này còn lại đến nay là các bến thuyền cổ nằm dọc ven sông Bạch Đằng, sông Cửa Lục, đảo Cống Đông, đảo Quan Lạn. Ngoài ra, Vân Đồn còn có nhiều di tích lịch sử gồm các di chỉ khảo cổ, đền chùa Quan Lạn, chùa Cái Bầu cùng các loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo...
Xe ba bánh một phương tiện giao thông chính trên đảo Quan Lạn. |
Lợi thế lớn đối với Vân Đồn là cảnh quan sinh thái tại Vườn quốc gia Bái Tử Long gồm hệ sinh thái biển với diện tích mặt biển chiếm 2/3. Đây là nơi lưu giữ nhiều mẫu gen động thực vật quý hiếm nhiều loài được ghi vào sách đỏ. Với tổng diện tích 15.783 ha, trong đó diện tích rừng và đất rừng là 6.125 ha với hơn 40 hòn đảo lớn nhỏ. Đáng kể nhất là khu sinh thái đảo Ba Mùn (xã Minh Châu) được coi là vùng lõi của vườn quốc gia và gần với điểm du lịch Quan Lạn. Đảo Ba Mùn còn có tên gọi khác là đảo Cao Lô, có diện tích khoảng 1.800 ha với chiều dài hơn 20 km, chiều ngang hẹp. Ngọn núi cao nhất là núi Quít, đỉnh cao 397 m. Hệ động thực vật trên đảo rất phong phú và có nhiều loài quí hiếm.
Tàu du lịch ở cảng Cái Rồng (Vân Đồn). |
Theo khảo sát Vườn Quốc gia có trên 178 loài thực vật thủy sinh 119 loài cá, 132 loài động vật không xương sống, 106 loài san hô trú ngụ, sinh trưởng tại vùng biển, bãi triều, vụng áng và hàng chục loài chim săn mồi đặc hữu như: chim ưng, diều hâu đen, chích chòe lửa, bìm bịp lớn...
Tàu cao tốc đưa khách đi tham quan các đảo ở huyện Vân Đồn. |
Vườn quốc gia Bái Tử Long đang là điểm đến mới với những du khách ưa thám hiểm, khám phá thiên nhiên hoang dã. Kết thúc khám phá thiên nhiên, du khách có thể nghỉ ngơi tại bãi biển Minh Châu với những bãi biển tự nhiên cát trắng mịn dài khoảng 2 km, được đánh giá là một trong những bãi biển đẹp nhất vịnh Bắc bộ. Dù với tiềm năng như vậy nhưng Vân Đồn mới chủ yếu thu hút nội địa. Năm 2012, tổng số du khách đến Vân Đồn đạt 540.000 lượt, trong đó khách quốc tế là 8.800 lượt. Tổng doanh thu từ các dịch vụ phục vụ du lịch đạt 350 tỷ đồng, tăng gấp 1,3 lần.
Tìm hướng thu hút khách quốc tế
Vịnh Bái Tử Long ít được biết đến dù nằm cạnh vịnh Hạ Long do ít được truyền thông và cách làm du lịch vẫn ở mức sơ khai. Chính vì vậy, đại diện các doanh nghiệp du lịch cho rằng: Ở mức độ nào đó có thể thấy vào mùa cao điểm, lượng khách đến Hạ Long đang quá tải và hướng phát triển du lịch sang hướng Vân Đồn là hoàn toàn có thể khi chỉ cách thành phố Hạ Long khoảng 50 km. Tuy nhiên du lịch Vân Đồn đang thiếu quá nhiều thứ để hướng tới phát triển dịch vụ cao cấp thu hút khách quốc tế có khả năng chi trả cao.
Du khách xuyên rừng Vườn Quốc gia Bái Tử Long trên đảo Ba Mùn. |
Dễ nhận thấy hệ thống hạ tầng đón tiếp khách quá yếu và thiếu. Đơn cử như bến tàu còn nhếch nhác, xen kẽ giữa bến tàu cá dân sinh nên khó gây thiện cảm với khách quốc tế. Bên cạnh đó, ngành chức năng giới thiệu vịnh Bái Tử Long có nhiều hang động nhưng cụ thể hang động này như thế nào, khả năng khai thác cho du lịch ra sao thì không rõ thì các đơn vị khó có thể làm tour và quảng bá tới du khách.
Theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, để hình thành và phát triển bền vững trung tâm du lịch biển chất lượng cao, Vân Đồn cần tập trung vào một số vấn đề như: xác định rõ và có biện pháp hữu hiệu bảo vệ nguồn tài nguyên du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch chất lượng cao; xác định rõ vai trò và ban hành các chính sách nhằm thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đẩy mạnh phát triển du lịch theo đúng định hướng; tạo dựng liên kết chặt chẽ trong quá trình phát triển du lịch; đảm bảo chất lượng và tính chuyên nghiệp của nguồn nhân lực du lịch…
Theo ông Lê Quang Thạch, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, để triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, huyện đảo Vân Đồn đang xây dựng Quy hoạch phát triển du lịch khu kinh tế Vân Đồn giai đoạn 2013-2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Trong đó, mục tiêu tăng trưởng du lịch đạt từ 15-18%/năm; định hướng không gian phát triển theo 2 khu vực chính: Khu du lịch đảo Cái Bầu và khu du lịch biển đảo, bao gồm các xã đảo Ngọc Vừng, Quan Lạn, Minh Châu, Bản Sen, Thắng Lợi, vườn quốc gia Bái Tử Long, vịnh Bái Tử Long; xây dựng cơ chế ưu đãi đầu tư hình thành các khu nghỉ dưỡng sinh thái, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế gắn liền với sản phẩm du lịch cao cấp.
Du lịch sẽ có tác động 2 mặt tới môi trường. Đã là đơn vị đi sau thì huyện Vân Đồn nên thực hiện các biện pháp để bảo vệ, phát triển các nguồn tài nguyên du lịch. Trong đó tăng cường nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, tài nguyên thiên nhiên đối với người dân tại các điểm du lịch tại địa phương.
Bài và ảnh: Hoàng Huy - Xuân Minh