116 nhà sáng lập các công ty nghiên cứu trí thông minh nhân tạo (AI) và robot đã cùng nhau ký dưới một bức tâm thư kêu gọi một lệnh cấm sử dụng vũ khí tự động gây chết người, trong bối cảnh buổi thảo luận của Liên hợp quốc (LHQ) về quy định “robot sát thủ” thông báo hoãn.
Elon Musk – ông chủ sáng lập Tập đoàn Công nghệ Khai phá Không gian SpaceX và OpenAI đã lên tiếng cảnh báo vũ khí tự động chết người sẽ cho phép “một cuộc xung đột có vũ trang xảy ra trên quy mô lớn hơn bao giờ hết, và diễn ra với tốc độ nhanh hơn rất nhiều mà con người có thể tưởng tượng”.
Nhiều chuyên gia tin rằng với tốc độ phát triển công nghệ AI ngày một nhanh, khả năng hiện thực hóa việc sản xuất vũ khí tự động chết người sẽ chỉ diễn ra tính theo năm, chứ không lên tới hàng thập kỷ.
Tại Hội nghị Liên kết Quốc tế về Trí tuệ Nhân tạo (IJCAIr), các nhà nghiên cứu tuyên bố các loại vũ khí tự hành có nguy cơ trở thành cuộc cách mạng thứ 3 làm thay đổi hình thức chiến tranh.
Theo Toby Walsh – Giáo sư chuyên trách về Trí thông minh nhân tạo tại Đại học New South Wales giải thích: “Cuộc chạy đua vũ trang mới này đã bắt đầu và tấn công trong mọi lĩnh vực – hàng không, trên biển và trên đất liền. Những loại vũ khí tự động này đe dọa công nghiệp hóa chiến tranh và phương thức mà chúng ta giết người. Nếu như chúng trở thành một phần trong tổ hợp công nghiệp – quân sự, chúng sẽ được sử dụng để chống lại dân thường”.
Tháng 12 năm ngoái, 123 quốc gia thành viên Liên hợp quốc nhất trí sẽ bắt đầu một cuộc thảo luận chính thức về vũ khí tự động. Trong số 123 nước đã có 19 nước kêu gọi một lệnh cấm ngay lập tức. Tuy nhiên, buổi thảo luận đầu tiên, được dự kiến diễn ra vào thứ Hai tuần vừa rồi (21/8) đã bị hoãn lại sau sự việc một vài quốc gia thành viên chưa trả đủ phần tài chính đóng góp cho LHQ.
Lá thư bày tỏ sự tiếc nuối trước quyết định hủy cuộc họp đầu tiên của LHQ về vấn đề này và hối thúc các bên gấp đôi nỗ lực trước khi diễn ra cuộc họp vào tháng 11 tới.
Nhóm tác giả của bức thư kiến nghị cho biết đây là lần đầu tiên mà các công ty sản xuất robot và AI thể hiện quan điểm chung về vấn đề, mặc dù trước đó, trong năm 2015, một nhóm các nhà lãnh đạo công nghệ cũng đã kêu gọi một lệnh cấm đối với vũ khí tự động.
Theo Ryan Gariepy – người sáng lập công ty Clearpath Robotics, loài người hiện nay không nên phớt lờ một sự thật rằng, không giống với các phạm trù trí thông minh nhân tạo khác vẫn còn hơi hướng khoa học viễn tưởng, thì hệ thống vũ khí tự động đang ở trong thời kỳ đỉnh cao phát triển. “Sự phát triển hệ thống vũ khí tự động chết người không hề khôn ngoan, trái với luân thường đạo lý và nên bị cấm trên quy mô toàn cầu”.
Hiện Mỹ, Trung Quốc, Nga và Israel là 4 trong số các quốc gia đang tích cực phát triển công nghệ vũ khí tự động – công nghệ cho phép cỗ máy hoạt động một cách độc lập mà không phụ thuộc vào sự đánh giá của người điều khiển.
Một trong những vũ khí tự động đáng chú ý đã xuất hiện là robot canh gác có trang bị súng, do nhà sản xuất vũ khí Dodaam Systems của Hàn Quốc chế tạo. Súng máy Super aEgis II của loại robot này có khả năng xác định, theo dõi và tiêu diệt mục tiêu với khoảng xa lớn mà không cần lệnh điều khiển của con người.
Tuy nhiên, công ty này phát biểu trước giới truyền thông cho biết tất cả khách hàng đặt mua con robot này đều yêu cầu bộ phận an toàn gắn liền với con robot yêu cầu phải có sự cho phép của con người mới được phép bắn đạn.
Theo nhiều ý kiến chuyên gia, mặc dù nhóm các công ty kêu gọi lệnh cấm và coi các cỗ máy tự động “có thể trở thành vũ khí khủng bố”, song lệnh cấm phát triển chúng ngay lập tức là một việc khó khả thi.
Khác với thỏa thuận cấm vũ khí hóa học đã được 192 quốc gia ký kết, hệ thống vũ khí tự động là một lĩnh vực rộng lớn. Ranh giới giữa vũ khí do con người điều khiển và vũ khí hỏa lực tự động là khá mơ hồ, và nhiều quốc gia, trong đó có cả Mỹ, đã bắt đầu lợi dụng tìm cách vượt qua giới hạn đó.
Ngoài ra, các kỹ thuật như máy bay và các phương tiện sử dụng trên mặt đất robot đã chứng minh khả năng hữu dụng đến mức các lực lượng vũ trang cho phép chúng hoạt động độc lập hơn, bao gồm cả việc giết người.