Giải thưởng lương thực Thế giới năm 2013 đã được trao cho Tiến sĩ Robert T. Fraley - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc phát triển công nghệ toàn cầu của tập đoàn Monsanto, vì những nghiên cứu tiên phong của ông và đồng nghiệp trong lĩnh vực ứng dụng Công nghệ sinh học hiện đại vào chọn tạo giống và cải tiến giống cây trồng, nâng cao sản lượng nông nghiệp toàn cầu. Đây là giải thưởng được xây dựng bởi Tiến sỹ Norman Borlaug, người từng đoạt giải Nobel và là cha đẻ của cuộc Cách mạng Xanh trong nông nghiệp. Giải thưởng nhằm tôn vinh những cá nhân có đóng góp xuất sắc trong việc nâng cao chất lượng, sản lượng và sự khả dụng về lương thực cho thế giới.
Cùng nhận giải thưởng này với Tiến sỹ Robert T. Fraley còn có Tiến sỹ Marc van Montagu – Người sáng lập, Chủ tich Viện tiếp cận Công nghệ sinh học Thực vật (IPBO), Ghent, Belgium; và Tiến sỹ Mary-Dell Chilton – Người sáng lập Quỹ nghiên cứu khoa học đặc biệt, Syngenta Biotechnology Inc., cả ba nhà khoa học đều được tôn vinh nhờ những đóng góp to lớn của họ trong lĩnh vực Công nghệ sinh học nông nghiệp.
Dựa trên những nghiên cứu khoa học về cấu trúc xoắn kép của ADN của Watson và Crick những năm 1950, Tiến sĩ Marc van Montagu, Tiến sĩ Mary-Dell Chilton và Tiến sĩ Robert T. Fraley đã tiến hành nghiên cứu sử dụng vi khuẩn như một công cụ để đưa gen từ một tế bào khác vào tế bào thực vật, tạo ra các dòng di truyền mới với nhiều đặc tính tốt. Kết quả của quá trình nghiên cứu này chính là chìa khóa đến kỹ thuật chuyển đổi tế bào thực vật sử dụng ADN tái tổ hợp.
Những công trình tiên phong của Marc van Montagu, Mary-Dell Chilton và Robert T. Fraley đã mang đến một thuật ngữ mới “công nghệ sinh học cây trồng” và trong tương lai sẽ cho ra những cây trồng cải thiện được khả năng chịu hạn hán, thời tiết bất thuận, sâu, bệnh hại, và cho năng suất cao.
Công nghệ sinh học thực vật đã góp phần đáng kể trong tăng lượng dự trữ lương thực và đảm bảo tình hình an ninh lương thực trên toàn thế giới, sự phát triển bền vững và biến đổi khí hậu trong bối cảnh chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức toàn cầu về an ninh lương thực.
“Tôi rất vinh dự được nhận Giải thưởng Lương thực Thế giới đặc biệt này. Giải thưởng này, tôi xin chia sẻ với các nhóm nghiên cứu tại Tập đoàn Monsanto. Tôi thực sự tin rằng chúng tôi mới chỉ chạm đến bề mặt của tất cả những gì có thể thực hiện được nhằm mang lại những thay đổi cho người nông dân, cung cấp lương thực cho người tiêu dùng trên toàn thế giới. Giải thưởng Lương thực Thế giới là một cơ hội để chúng tôi tham gia cuộc đối thoại toàn cầu mới xung quanh việc giúp người nông dân tiếp cận được với các công cụ sản xuất nông nghiệp tiên tiến mà vẫn đảm bảo một nguồn cung cấp thực phẩm bền vững cho tất cả chúng ta".
Robert T. Fraley được sinh ra trong một ngôi làng nhỏ ở trung tâm bang Illinois, đã tốt nghiệp đại học và cao học tại Đại học bang Illinois và làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học bang California, San Francisco. Ông bắt đầu tham gia Monsanto năm 1981 với vai trò chuyên gia nghiên cứu cao cấp. Năm 1993, ông và các cộng sự công bố đã tạo ra được những loại cây trồng biến đổi gen đầu tiên. Kể từ đó, hàng triệu nông dân trên khắp thế giới áp dụng và hưởng thành quả từ nghiên cứu mở đầu này về công nghệ sinh học và các công nghệ cải tiến cây trồng khác.
Fraley sẽ chính thức được trao Giải thưởng Lương thực Thế giới tại lễ trao giải tổ chức vào mùa thu năm nay, song song với Hội nghị chuyên đề quốc tế Norman E. Borlaug tại Des Moines, Iowa, ngày 16-18/10/2013.
M.H