Theo số liệu thống kê của Viện Năng lượng, Bộ Công Thương, nếu dựa vào nguồn năng lượng trong nước để sản xuất điện thì đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu hụt từ 49 - 112 tỷ KW, vì vậy, phát triển điện hạt nhân sẽ giúp Việt Nam cân đối và hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng truyền thống. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân về việc phát triển điện hạt nhân.
´Việt Nam có định hướng ra sao về phát triển điện hạt nhân, thưa Bộ trưởng?
Việc phát triển điện hạt nhân Việt Nam phụ thuộc vào hiện trạng cơ sở hạ tầng điện hạt nhân. Việt Nam đã hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) thực hiện đề án phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân đầu tiên tại nước ta. Tuy nhiên, sau sự cố Fukushima (Nhật Bản) thì vấn đề an toàn, an ninh cho điện hạt nhân đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Bộ trưởng Nguyễn Quân trao đổi với phóng viên báo chí. |
Vì vậy, đối với hạ tầng điện hạt nhân, chúng ta cần có một hành lang pháp lý mang tính chất đặc thù làm căn cứ phát triển điện hạt nhân, đặc biệt các văn bản pháp quy Việt Nam để đảm bảo cho an toàn và an ninh điện hạt nhân trong tương lai. Ngoài ra, phải có một cơ sở nghiên cứu và an toàn đủ mạnh gồm các viện nghiên cứu, các cơ quan pháp quy, nguồn nhân lực được đào tạo có trình độ cao nhằm đảm bảo việc vận hành nhà máy điện hạt nhân an toàn. Bên cạnh đó, thách thức lớn nhất đối với hạ tầng điện hạt nhân của Việt Nam là tiềm lực tài chính của chúng ta còn khó khăn, hầu như toàn bộ dự án điện hạt nhân đều phải dựa vào nguồn viện trợ ODA của các nước như Nga, Nhật Bản...
Ngay khi Quốc hội thông qua chủ trương cho phép xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận, Chính phủ Việt Nam đã hợp tác với các đối tác là Liên bang Nga, Nhật Bản và IAEA để tiến hành các hoạt động đồng bộ trên cả ba mặt: Xây dựng các hạ tầng pháp lý, pháp quy an toàn; nguồn nhân lực và hệ thống hạ tầng dành cho nghiên cứu phát triển năng lượng hạt nhân tại Việt Nam. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam khởi công nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận.
Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến đồng tình ủng hộ, vẫn xuất hiện những “làn sóng” không đồng thuận với việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Chúng tôi mong muốn các cơ quan truyền thông đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến đến người dân, các cơ quan, ban, ngành quản lý các cấp cũng như toàn xã hội hiểu và chia sẻ với những khó khăn hiện nay. Qua đó tạo ra sự đồng thuận từ xã hội, đặc biệt là người dân địa phương nơi đặt nhà máy điện.
´Việc phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân phụ thuộc nhiều vào nguồn nhân lực, giải pháp cho vấn đề này như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Thời gian qua, chúng ta đã hợp tác với các nước như: Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ... để đào tạo một đội ngũ cán bộ trẻ có chuyên môn và kỹ thuật vững vàng. Chỉ tính riêng từ năm 2009 - 2012, Việt Nam đã gửi khoảng 200 người sang Nga, khoảng 200 - 300 người tới các quốc gia khác để học tập ngắn hạn và dài hạn về năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân. Bên cạnh đó, Chính phủ đã dành 2.000 tỉ đồng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dành 1.000 tỉ đồng để đào tạo nguồn nhân lực.
Hiện nay, Chính phủ đã cho phép những người làm việc trong lĩnh vực điện nguyên tử và điện hạt nhân được hưởng phụ cấp từ 30 - 70% mức lương so với mức lương hiện hành.
Trong các cuộc họp của Ban chỉ đạo Nhà nước về điện hạt nhân, chúng tôi đã đề nghị Chính phủ nghiên cứu sớm, sau đó cần tuyên truyền công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng về chế độ đãi ngộ đối với những người đi học và những người làm việc trong lĩnh vực điện hạt nhân sau này. Tôi tin rằng, nếu chúng ta công khai các chế độ đãi ngộ thì việc tuyển chọn người đi học và làm việc chắc chắn sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Ngay đối với sinh viên học chuyên ngành năng lượng nguyên tử ở các trường đại học lớn của Việt Nam cũng cần được cấp học bổng và tạo điều kiện học tập thuận lợi nhất. Thực hiện tốt những điều này đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ sớm có được đội ngũ cán bộ đủ năng lực, trình độ để vận hành nhà máy điện hạt nhân trong tương lai.
Theo tôi, đối với những người làm việc tại nhà máy điện hạt nhân, trong đó những người tham gia trực tiếp thì mức lương cần phải có sự đãi ngộ thỏa đáng hơn, thậm chí mức lương còn phải cao hơn nhiều lần lương Bộ trưởng.
´Mức lương, chế độ đãi ngộ và môi trường làm việc là một trong nhiều yếu tố thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao hiện đang làm việc ở nước ngoài. Đối với nguồn lực “ngoại” này, chúng ta có giải pháp gì để lôi kéo họ về Việt Nam làm việc, thưa Bộ trưởng?
Đó cũng là điều chúng ta luôn trăn trở. Việt Nam đang cố gắng tạo ra môi trường làm việc tốt nhất để thu hút nguồn nhân lực có chất lượng. Đối với nhà khoa học thì không gì quan trọng bằng “phòng thí nghiệm” và “thư viện”. Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng một trung tâm khoa học hạt nhân do Liên bang Nga giúp đỡ với trị giá khoảng 500 triệu USD cùng với các cơ sở nghiên cứu hạt nhân hiện có ở Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, các trường đại học và các viện nghiên cứu khác...
Theo lộ trình, tới năm 2017 - 2018, chúng ta sẽ có một hệ thống các cơ sở nghiên cứu tương đối hiện đại, đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu của các nhà khoa học. Thông qua quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, các nhà khoa học có thể dễ dàng tiếp cận với các nguồn thông tin, tư liệu qua các hội nghị, hội thảo quốc tế chuyên ngành. Bên cạnh đó, ở Việt Nam, sự phát triển nhanh của mạng Internet sẽ là kênh khai thác và cập nhật các thông tin một cách nhanh chóng, kịp thời.
Như vậy, các nhà khoa học về hạt nhân của Việt Nam sắp tới chắc cũng không quá băn khoăn về môi trường làm việc của họ so với các lĩnh vực khoa học khác.
Ngũ Hiệp