Theo một nghiên cứu mới, gương mặt của một người tiết lộ nhiều điều về bản thân người đó. |
Trong thời đại của Internet, khi quyết định yêu ghét hoặc tin tưởng ai đó được đưa ra dựa vào một tấm ảnh trên một trang mạng xã hội, gương mặt chứng tỏ có thể hé lộ nhiều điều về bản thân mỗi người. Các nhà nghiên cứu của trường đại học Kinh doanh Columbia (New York, Mỹ) đã phát hiện ra rằng có thể đánh giá chính xác mức độ đáng tin cậy của một người dựa vào việc đánh giá gương mặt của người đó.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu tin rằng biểu hiện bên ngoài của mỗi người phản ảnh suy nghĩ bên trong về cách người khác đánh giá bản thân mình, và thậm chí điều này còn có khả năng chi phối cách mỗi người hành động. Ví dụ, nếu một người từng bị nhận xét là có gương mặt không đáng tin, khi gặp người mới, những suy nghĩ về việc bản thân từng bị đánh giá thế nào thật sự thay đổi hành vi của bạn, có thể khiến bạn trông không đáng tin và hành động không đáng tin. Đây chính là việc ghi nhớ sự quan sát ban đầu.
Để kiểm tra giả thuyết này, hai giáo sư Michael Slepian và Daniel Ames của trường Đại học Kinh doanh Columbia tiến hành thí nghiệm với sự tham gia của một nhóm sinh viên. Những sinh viên này được cho biết trước về mức độ đáng tin hay không trên gương mặt họ.
Sau đó, sinh viên theo từng cặp tham gia chơi bài, có thể tự do thành thật hoặc giả dối. Mỗi người rút một quân bài và phải nói thật hoặc nói dối người cùng chơi giá trị của quân bài. Mỗi cặp sinh viên sẽ có vài phút để quyết định có tin tưởng người kia hay không.
Những người nói dối sẽ có được 20 điểm nếu lừa được bạn chơi, ngược lại sẽ không có điểm. Trong khi đó, người nghe sẽ có được 10 điểm mỗi lần chọn đúng mặt để gửi niềm tin, nhưng ngược lại sẽ mất 20 điểm nếu tin nhầm kẻ nói dối. Vai trò của mỗi người trong các cặp sẽ được thay đổi. Để sinh viên có động cơ nói dối hoặc chứng minh sự đáng tin của bản thân, nhóm nghiên cứu đã treo giải thưởng dành cho người có điểm cao nhất là thẻ mua hàng Amazon trị giá 50 USD.
Theo các nhà nghiên cứu, việc ảnh của một người được đánh giá là đáng tin hay không có liên quan đến việc họ thể hiện tốt hay không tốt trong trò chơi. Những người được cho có gương mặt không đáng tin ít được tin tưởng hơn trong trò chơi lá bài. Trước khi chơi, người chơi phải cho biết họ sẽ chơi thế nào và liệu họ có được bạn chơi tin cậy hay không. Các nhà nghiên cứu nhận ra rằng việc những người này nhìn nhận họ sẽ được đánh giá thế nào có liên quan đến cách họ hành động. Điều này chỉ ra rằng họ tiếp thu những đánh giá của người khác về bản thân và hành động theo những suy nghĩ đó.
Giáo sư Michael Slepian, đồng tác giả của bản nghiên cứu nói: “… chúng tôi đã nhận thấy rằng những người trông đáng tin có nhiều khả năng hành động một cách đáng tin hơn”. Giáo sư Daniel Ames giải thích, một phần lí do của việc này là bởi họ kì vọng được tin tưởng và muốn sống theo những kì vọng đó. Trong khi đó, những người trông không đáng tin dường như có nhiều khả năng nói dối hơn, có lẽ là bởi cảm nhận được rằng bản thân sẽ không được tin tưởng.
Dĩ nhiên, không phải đánh giá nào về các gương mặt cũng đúng và mọi người có thể dựa vào nhiều lí do không có căn cứ để đánh giá vẻ ngoài của người khác. Nhưng việc tìm ra bằng chứng về sự tồn tại của mối liên hệ giữa gương mặt và sự đáng tin này dẫn các nhà khoa học tới những nghiên cứu sâu hơn.
Dù một người có nhận ra vai trò của gương mặt mình trong cuộc sống hay không, thì bản thân việc được tin tưởng hay không được tin tưởng dựa vào gương mặt có thể ảnh hưởng đến cách sống của họ, phụ thuộc vào cách mỗi người nhìn nhận bản thân sẽ được đối xử như thế nào.
Cũng theo các nhà nghiên cứu, sẽ khôn ngoan hơn nếu thể hiện rõ quan điểm của bản thân khi đánh giá ai đó để hy vọng rằng nếu một người được đặt niềm tin, họ sẽ đón nhận sự kỳ vọng đó và hành động theo chiều hướng kỳ vọng.