Đơn cử là công trình Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Trải qua nhiều lần đội vốn, đến khi hoàn thành, vốn xây dựng công trình đã lên đến 411 tỉ đồng. Điều đáng nói, dù đây là một tượng đài lớn nhất Đông Nam Á nhưng chỉ sau một tuần khánh thành, gạch bị bong tróc, còn các câu thơ khắc trên đá thì sai chính tả nghiêm trọng. Đã thế, từ lúc đưa ra dự án, giới chuyên môn và truyền thông lên tiếng quan ngại vì Quảng Nam còn là một tỉnh nghèo.
Công trình Văn Miếu Vĩnh Phúc trị giá gần 300 tỉ đồng. |
Ở tỉnh Hà Tĩnh thì có dự án xây dựng Văn Miếu trên cánh đồng Đông Lỗ, phường Thạch Linh (TP Hà Tĩnh) có tổng mức đầu tư hơn 74 tỷ đồng. Ông Phạm Tiến Sinh, Trưởng ban Quản lý công trình xây dựng cơ bản TP Hà Tĩnh, cho báo giới biết: “Công trình xây dựng nhằm phục vụ tín ngưỡng văn hóa cho nhân dân trong tỉnh”. Thế nhưng thờ ai thì chưa biết. Thờ ai, thờ như thế nào? Vị này còn cho biết thêm, hiện nguồn vốn cấp cho việc xây dựng công trình tâm linh này mới được 20 tỷ đồng, số còn lại thì chưa biết tìm ở đâu. Ở tỉnh Vĩnh Phúc cũng có công trình văn miếu như Hà Tĩnh, đã hoàn thành nhưng lại chưa biết để thờ ai.
Đến lượt Thủ đô Hà Nội dự kiến xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia tại khu đô thị mới Tây Hồ Tây, với kinh phí hơn 11.000 tỉ đồng. Điều đáng quan tâm là hiện nay nhiều bảo tàng trên cả nước đang trong tình trạng ế khách, hiện vật thì quá ít. Nếu Bảo tàng Lịch sử quốc gia được xây dựng thì hiện vật trưng bày sẽ lấy từ đâu? Nếu quy tụ hiện vật từ khắp nơi trong nước thì sẽ xảy ra tình trạng “vườn không nhà trống” ở bảo tàng địa phương. Trong khi nhiều bảo tàng, di tích lịch sử, hiện vật đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng cần nguồn vốn để duy tu, sửa chữa. Đó là chưa nói Thủ đô Hà Nội có Bảo tàng Hà Nội khánh thành vào tháng 10/2010 với tổng mức đầu tư 2.300 tỉ đồng nhưng vẫn ế khách, xuống cấp.
Dư luận bức xúc khi Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La đưa ra dự án xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào các dân tộc Tây Bắc cùng quảng trường trung tâm thành phố Sơn La với kinh phí đầu tư 1.400 tỷ đồng. Đồng ý rằng tình cảm của Bác bao la, nhưng là về mặt tinh thần chứ không về mặt vật chất. Hơn thế, Sơn La là một tỉnh nghèo, các vấn đề an sinh xã hội như trạm xá, trường học, bệnh viện còn thiếu thốn thì không nên nghĩ đến việc xây một công trình quá hoành tráng, quá tốn kém chỉ để… ngắm.
Gần đây nhất, thành phố Hải Phòng có dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu trung tâm hành chính, chính trị tập trung với số tiền khoảng 10.000 tỉ đồng. Điều đáng nói, thành phố này lại đi xin ngân sách 7.000 tỉ đồng. Còn phải đi xin ngân sách nhưng chơi sang như thế thì không gọi là lãng phí nữa mà là "có vấn đề" trong tư tưởng, suy nghĩ.
Có thể nói tâm lý “thích hoành tráng” của các vị công bộc đã đến mức nghiêm trọng. Đồng ý rằng xây dựng các công trình sẽ là điểm nhấn cho địa phương, tạo không gian văn hóa, ghi lại dấu ấn lịch sử, nhưng phải tự liệu sức mình chứ không thể chạy theo phong trào. Cứ thấy nơi này xây thì nơi kia cũng quyết xây cho bằng được mà không lường trước những hậu quả, hoặc xây không có mục đích rõ ràng là vô cùng lãng phí, làm nghèo tỉnh nhà, có tội với đất nước. Hầu như các vị chưa một lần “vi hành” để thấy trẻ em vùng sâu, vùng cao không có vắcxin tiêm ngừa, học trong các chòi tạm bợ, cơm không đủ ăn, đến trường bằng việc đu dây qua suối… Hằng năm, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách giảm nghèo bình quân trên 90.000 tỷ đồng/năm nhưng vẫn chưa đủ. Ngày xưa Bác Hồ từng có phong trào trị “giặc đói, giặc dốt” một cách rất quyết liệt. Bác hiểu rõ chỉ có tiêu diệt hai thứ giặc ấy mới mong đất nước phồn thịnh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Vì thế, thay vì xây các công trình hoành tráng chỉ để… ngắm (trong khi địa phương nghèo khó) thì nên xây nhiều trường học, bệnh viện. Bởi lẽ, có giáo dục thì người ta mới hiểu sâu xa vấn đề và ra sức cống hiến cho xã hội. Và có sức khỏe thì người ta mới không còn mắc bệnh… tâm lý thích hoành tránh.