Hầu như năm nào qua Tết, người Việt Nam cũng mang tâm lý “tháng ăn chơi”. Giống như một chiếc xe máy cũ rích cần phải khởi động nhiều lần, tháng Giêng mang trong mình sự chậm chạp, ì ạch.
Thấy rõ nhất là các cơ quan công quyền địa phương. Sau Tết, người dân chỉ trông chờ chính quyền làm việc trở lại để đi giao dịch hay công chứng giấy tờ. Tất nhiên số lượng người dân mang đơn từ đến công an phường, xã, quận, huyện công chứng rất đông đúc sau thời gian dài gián đoạn. Nhưng ngược lại, văn phòng làm việc của chính quyền lèo tèo vài ba người trực, làm người dân phải ngậm ngùi ra về. Có nơi, cán bộ đi làm bình thường, ngặt nỗi muốn công chứng được đơn từ phải có chữ ký của sếp. Mà sếp thì lại bận “họp” ở nhà chú Sáu, dượng Bảy, bác Tám… Có nhiều lễ hội trong tháng Giêng còn xuất hiện bóng dáng của những chiếc xe công vụ chở sếp và gia đình đi cúng kiến, cầu tài, xin lộc.
Nhà nông thì vẫn vô tư ăn nhậu. Đến nhà nào cũng thấy bày tiệc bia, rượu, mặc dù đã qua “mồng”. Lý do thật đơn giản: bia, rượu, thực phẩm trong nhà còn ê hề nên phải uống cho hết, không thì lãng phí (?!). Nông nhàn lại thêm sinh tật. Cờ bạc, đá gà tràn lan. Công nhân, nhất là công nhân xa quê vẫn chưa trở lại công ty làm việc. Dù những công nhân ở xa đã được ưu ái, cho nghỉ Tết sớm để kịp về quê nhưng qua Tết vẫn nán lại quê nhà vui chơi cùng gia đình. Đã vậy họ còn đưa ra đủ lý do kẹt xe, không mua được vé tàu, vé xe, nên phải đi làm trễ. Thiếu một hai công nhân, mọi hoạt công ty trở nên xáo trộn. Dây chuyền sản xuất vắng một vài người khiến năng suất lao động giảm. Đã thế nhiều công nhân xa quê sẵn dịp về quê ăn Tết rồi nghỉ luôn, nhưng lại không thông báo cho công ty biết, khiến cho quản đốc phải trông đứng trông ngồi.
Người buôn bán cũng phải đợi qua hết mồng mới khai trương vì phải đợi đúng ngày đẹp (xem bói). Nhiều cửa hàng, quán ăn đóng cửa nên giá tăng là lẽ tất nhiên. Còn học sinh vì nghỉ quá lâu nên sinh lười, không muốn đi học. Có đến lớp cũng chỉ cho có mặt chứ chưa chuẩn bị bài vở gì. Có lẽ vì hiểu tâm lý đó nên lúc cận Tết, giáo viên nào cũng ra sức kiểm tra, trả bài liên tục để học sinh hoàn tất bài vở trước kế hoạch đã dự tính trong giáo án.
Dân gian có câu: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, chỉ đúng với ngày xưa. Do nước ta thời trước thuần nông, tháng Giêng nông nhàn nên nhà nhà ăn chơi cho thỏa chí, để rồi bước sang tháng Hai mới vào vụ. Nhưng nay thì khác. Nước ta đã tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chạy đua sự tăng trưởng kinh tế cùng với thế giới.Vì vậy cần phải ra sức lao động để đưa đất nước ngày một phát triển. Hãy dẹp bỏ tâm lý “tháng Giêng là tháng ăn chơi” như là cách giúp bản thân năng động, chủ động trong công việc. Mọi người có chung suy nghĩ tích cực chắc chắn thói lười biếng trong tháng Giêng sẽ bị triệt tiêu ngay!q
Đặng Trung Thành