Chuyên gia cảnh báo có thể đã vượt qua điểm giới hạn để đảo ngược sự nóng lên toàn cầu

Nhà khoa học Markus Rex, người dẫn đầu chuyến thám hiểm Bắc Cực lớn nhất từ trước tới nay, ngày 15/6 cảnh báo điểm giới hạn để đảo ngược đà nóng lên toàn cầu có thể đã bị vượt qua.

Chú thích ảnh
Băng trôi trên biển ngoài khơi Ny-Alesund, Na Uy, ngày 5/6/2010. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhà khoa học Rex dẫn đầu một nhóm thám hiểm lớn nhất thế giới gồm 300 nhà khoa học từ 20 quốc gia và đã trở lại Đức hồi tháng 10/2020 sau 389 ngày ở Bắc Cực, mang về nhà bằng chứng thảm họa của một Bắc Băng Dương đang hấp hối và những cảnh báo mùa Hè không có băng chỉ trong vài thập kỷ tới. Chuyến thám hiểm tốn kém 140 triệu euro này đem lại 150 terabytes dữ liệu và hơn 1.000 mẫu băng.

Công bố các khám phá đầu tiên của nhóm, ông Rex cho biết các nhà khoa học phát hiện rằng biển băng ở Bắc Cực "đã thu hẹp trong mùa Xuân 2020 nhanh hơn kể từ khi ghi nhận các thông số" và "diện tích của biển băng trong mùa Hè chỉ bằng một nửa so với cách đây 1 thập kỷ". Băng chỉ dày bằng một nửa và nhiệt độ cao hơn 10 độ C so với thời điểm diễn ra chuyến thám hiểm Fram của các nhà khoa học Fridtjof Nansen và Hjalmar Johansen những năm 1890. Vì diện tích biển băng nhỏ hơn, biển có thể hấp thụ nhiều nhiệt hơn vào mùa Hè, và vì vậy sự hình thành các tảng băng vào mùa Thu sẽ chậm hơn bình thường.

Theo ông Rex, sự biến mất của biển băng mùa Hè tại Bắc Cực là "một trong những quả mìn đầu tiên trong bãi mìn này". Ông cho biết: "Đây là một trong các điểm giới hạn mà chúng tôi đặt ra đầu tiên khi đưa ra cảnh báo". Kêu gọi hành động nhanh chóng để ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu, nhà khoa học Rex cho biết: "Đánh giá trong những năm tới sẽ cho phép chúng ta xác định liệu có thể tiếp tục cứu biển băng Bắc Cực thông qua bảo vệ khí hậu một cách mạnh mẽ, hay chúng ta đã vượt qua điểm mốc quan trọng trong hệ thống khí hậu".

Về phần mình, bà Stefanie Arndt, chuyên gia về đặc điểm vật lý của biển băng, cho biết: "Thật đau lòng khi biết rằng chúng ta có thể là thế hệ cuối cùng được chứng kiến một Bắc Cực vẫn có băng bao phủ vào mùa Hè". Theo bà Arndt, lượng băng này đang tan dần và đây là nơi sinh sống quan trọng đối với loài gấu Bắc Cực. Bà cũng một lần nữa kêu gọi bảo vệ loài hải cầu và các động vật khác tại Bắc Cực.

Bích Liên (TTXVN)
28.000 tấn băng tan chảy trong ba thập kỷ do biến đổi khí hậu
28.000 tấn băng tan chảy trong ba thập kỷ do biến đổi khí hậu

Băng trên Trái Đất đang tan nhanh hơn so với giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, chủ yếu do biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ toàn cầu tăng cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN