Theo trang Daily Mail (Anh), nhóm các nhà nghiên cứu từ Viện Người mù Quốc gia Hoàng gia Anh (RNIB) đã ra mắt nguyên mẫu của que xét nghiệm nước tiểu đặc biệt cho phép người mù tự kiểm tra kết quả thử thai bằng xúc giác. Cụ thể, khi nước tiểu được miếng đệm thấm hút, nó sẽ kích hoạt động cơ bên trong, làm “nút xúc giác” đầu tiên nhô lên khỏi từ bề mặt của thiết bị. Nếu phát hiện ra các dấu hiệu mang thai, nút xúc giác thứ hai sẽ trồi lên, người dùng có thể sờ thấy nó bằng ngón tay để biết kết quả mình có mang thai hay không.
Thiết kế nguyên mẫu của que thử thai đặc biệt này lớn hơn một chút so với loại que thử thai truyền thống. Hiện tại, tất cả các que thử thai bán trên thị trường đều cung cấp kết quả ở dạng trực quan, bằng việc hiển thị kết quả trên giấy hoặc màn hình điện tử. Người khiếm thị buộc phải dựa vào người khác để biết kết quả thử thai của chính mình. Do đó, đây được ca ngợi là một phát minh vô cùng ý nghĩa đối với những người bị mất thị lực, khi nó có thể giải quyết các vấn đề quyền riêng tư của họ.
RNIB được cho là đang đàm phán với nhà phân phối que thử thai nổi tiếng ClearBlue để đưa thiết kế dễ tiếp cận này ra thị trường. Tuy nhiên, nhà thiết kế cho biết việc này có thể mất tới nhiều năm.
Ước tính có khoảng 2 triệu người bị mất thị lực ở Anh. Thiết kế mới này đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều phụ nữ khiếm thị, trong đó có bà mẹ một con Danielle Clear, 36 tuổi. Cô Clear cho biết cả hai vợ chồng cô đều là người khiếm thị. Trước đây, cô đã phải nhờ mẹ, bạn bè, thậm chí là hàng xóm đọc kết quả thử thai giúp mình.
“Điều đó rất khó chịu. Nhờ người khác đọc hộ kết quả thử thai có nghĩa là thông tin riêng tư của tôi đang bị công khai. Và tôi không muốn mọi người biết mọi thứ về tôi cũng như cuộc sống của tôi”, cô Clear chia sẻ.
Que thử thai mới được phát triển bởi nhà thiết kế độc lập Josh Wasserman, dựa trên các cuộc phỏng vấn nghiên cứu được thực hiện ở một số phụ nữ bị mù hoàn toàn hoặc chỉ nhìn thấy một phần. Theo tổ chức RNIB, gần một nửa trong số những người này phải dựa vào sự hỗ trợ để đọc thông tin cá nhân bằng văn bản, từ kết quả khám sức khỏe đến thủ tục giấy tờ vay nợ.
Gần 1/3 trong số những người được khảo sát (chiếm khoảng 28%) nói rằng thông tin từ ngân hàng không bao giờ được cung cấp ở định dạng mà họ có thể tiếp cận được. Trong khi 2/5 người tham gia khảo sát nói rằng họ không thể tiếp cận được thông tin từ các bác sĩ đa khoa và nhà cung cấp dịch vụ y tế. Ngoài ra, 90% trong số những người được hỏi cho biết thông tin trên bao bì thuốc khó hoặc không thể đọc được.