Theo hãng tin Renhap, các nhà khoa học cho rằng những vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất nằm cách núi lửa Paektusan 116 km đã từng phun trào lần cuối vào hồi năm 1903, sẽ tác động đến hoạt động của núi lửa này.
Việc Triều Tiên tiến hành 4 vụ thử hạt nhân vào các năm 2006, 2009, 2013 và ngày 6/1/2016 đã gây ra loạt trận động đất nhân tạo. Theo các nhà nghiên cứu Hàn Quốc, những chấn động này có khả năng tác động đến núi lửa chứa nham thạch và dẫn tới hiện tượng phun trào dung nham.
Trong diễn biến liên quan, hải quân Hàn Quốc và lực lượng bảo vệ bờ biển nước này ngày 18/2 tổ chức cuộc tập trận trên biển Nhật Bản (Hàn Quốc gọi là biển Đông) nhằm đối phó với nguy cơ Triều Tiên tiến hành các cuộc tấn công trên biển nhằm vào nước này.
Tham gia cuộc tập trận này có 9 tàu chiến và tàu tuần tra, trong đó có tàu khu trục Gwanggaeto the Great, trọng tải 3.200 tấn, của hải quân và tàu tuần tra Je-min, trọng tải 1.500 tấn, của lực lượng bảo vệ bờ biển. Ngoài ra, tham gia tập trận còn có trực thăng UH-60 Black Hawk của hải quân và đội chống khủng bố hỗn hợp được thành lập từ các đơn vị đặc nhiệm của cả hai lực lượng trên. Theo Hải quân Hàn Quốc, cuộc tập trận này được tiến hành dựa trên tình huống giả định là ngăn chặn các lực lượng của Triều Tiên bắt cóc một tàu thương mại Hàn Quốc.
Đại tá Hải quân Kim Eun-soo, chỉ huy cuộc tập trận, cho biết: “Hải quân (Hàn Quốc) đang thực hiện các bài tập khác nhau với tình huống giả định chống lại các hành động tấn công trên biển của phía Triều Tiên như bắt cóc tàu thương mại, xâm nhập qua đường danh giới trên biển phía Bắc hoặc tấn công tàu ngầm (của Hàn Quốc)”. Ngoài ra, hải quân nước này cũng sẽ tiến hành một cuộc tập trận kéo dài trong 1 ngày trên biển Nhật Bản nhằm ngăn chặn tàu Triều Tiên đi vào vùng biển của Hàn Quốc.