Theo Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng Trung Quốc (SASTIND) và Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA), trong các cuộc thử nghiệm, hai vệ tinh này đã cung cấp những thông tin có tính chính xác cao về hoạt động giám sát môi trường, tài nguyên và một số thảm họa thiên nhiên.
Được phóng thành công vào vũ trụ ngày 9/5/2018, Cao Phân 5 là vệ tinh đầu tiên do Trung Quốc phát triển, có thể giám sát tình hình ô nhiễm không khí. Vệ tinh này có thể phản ánh chi tiết tình trạng ô nhiễm không khí tại Trung Quốc qua việc giám sát chỉ số về các chất gây ô nhiễm, khí nhà kính và khói bụi. Còn vệ tinh Cao Phân 6 được đưa vào quỹ đạo ngày 2/6/2018, tuổi thọ dự kiến 8 năm, có thể cung cấp những ảnh chụp một khu vực rộng lớn của Trái Đất với độ phân giải cao. Dữ liệu từ Cao Phân 6 có thể được sử dụng cho mục đích giám sát các thảm họa thiên nhiên và nông nghiệp, ước tính sản lượng cây trồng, khảo sát các nguồn tài nguyên rừng và vùng đầm lầy.
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trương Khắc Kiện cho biết theo dự kiến vào cuối năm nay, sau khi phóng vệ tinh Cao Phân 7 lên vũ trụ, Trung Quốc sẽ hoàn thành quá trình xây dựng hệ thống vệ tinh quan sát Trái Đất với 7 vệ tinh cung cấp hình ảnh có độ phân giải cao.