Rolls-Royce đã thành lập một đơn vị mới phụ trách xây dựng lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) sau khi đạt được thỏa thuận cấp vốn 405 triệu bảng Anh (547 triệu USD) với các nhà đầu tư. Việc xây dựng các lò phản ứng SMR thường có chi phí thấp hơn nhiều so với xây dựng các nhà máy hạt nhân quy mô lớn vì phần lớn công đoạn sản xuất và lắp ráp sẽ được thực hiện ở một nhà máy trước khi lò phản ứng được đưa tới địa điểm vận hành.
Thông báo của Rolls-Royce nêu rõ các kế hoạch này là một phần đóng góp cho việc thực hiện chiến lược của Chính phủ Anh đưa mức phát thải ròng carbon về 0 vào năm 2050. Công ty này cũng hy vọng đơn vị mới thành lập sẽ tạo ra khoảng 40.000 việc làm vào năm 2050.
Theo kế hoạch, Rolls-Royce cùng các công ty năng lượng đối tác gồm BNF Resources (Pháp) và Exelon Generation (Mỹ) sẽ đầu tư khoảng 195 triệu bảng trong 3 năm cho chương trình SMR, cùng với 210 triệu bảng từ nguồn vốn nhà nước.
Giám đốc điều hành Warren East khẳng định dự án này là một trong những cách để Rolls-Royce đáp ứng yêu cầu của thời đại, đảm bảo Anh tiếp tục phát triển những cách thức sáng tạo để ứng phó với mối đe dọa từ biến đổi khí hậu. CEO này tự tin rằng công nghệ SMR của Rolls-Royce mang lại một giải pháp năng lượng sạch.
Nhiều nhà máy năng lượng hạt nhân của Anh được xây dựng từ thế kỷ trước đến nay đã đóng cửa hoặc chuẩn bị hết khấu hao. Tuy nhiên, nước này mong muốn điện hạt nhân tiếp tục đóng góp khoảng 20% tổng sản lượng điện để hoàn thành cam kết đưa mức phát thải ròng carbon về 0 vào năm 2050 và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, Rolls-Royce cũng đang chịu những tổn thất tài chính do đại dịch COVID-19 khiến lĩnh vực hàng không tê liệt và làm giảm nhu cầu đi lại bằng đường hàng không. Vì vậy, việc mở rộng hoạt động sang lĩnh vực năng lượng hạt nhân được cho là một hướng đi giúp Rolls-Royce đa dạng hóa các danh mục kinh doanh, giảm phụ thuộc vào ngành hàng không.
Theo phóng viên TTXVN tại London, Chính phủ Anh hoan nghênh dự án của Rolls-Royce, coi đó là cơ hội để Anh tăng sản xuất năng lượng phát thải thấp, giảm sử dụng than đá và góp phần nâng cao khả năng tự cung năng lượng cho quốc gia này.
Việc phát triển công nghệ SMR nằm trong Kế hoạch 10 điểm của Chính phủ Anh về “cuộc cách mạng công nghiệp xanh” được đưa ra vào tháng 12 năm ngoái. Theo đó, SMR được coi là một cách để tăng cường an ninh năng lượng của Anh, tạo ra việc làm trong lĩnh vực sản xuất và giúp thực hiện chương trình nghị sự của Thủ tướng Boris Johnson nhằm đảm bảo sự thịnh vượng và cơ hội việc làm được trải đều khắp Vương quốc Anh.
Các quốc gia phương Tây khác, bao gồm Mỹ và Pháp, cũng đang theo đuổi công nghệ SMR của riêng từng nước để sử dụng trong thị trường nội địa cũng như công nghệ có tiềm năng xuất khẩu. NuScale, một công ty phát triển SMR của Mỹ hồi tuần trước thông báo đã đạt được thỏa thuận xây dựng các lò phản ứng quy mô nhỏ ở Romania. Tháng trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đồng ý phân bổ 1 tỷ euro từ quỹ chính phủ để giúp công ty EDF phát triển các SMR vào đầu thập kỷ tới.
Theo kế hoạch, Rolls-Royce và các đối tác sẽ sử dụng nguồn vốn để đảm bảo tiến độ hoàn thành nhà máy 470MW đầu tiên vào đầu thập niên 2030. Mỗi trạm điện hạt nhân nhỏ sẽ có khả năng cung cấp đủ lượng điện carbon thấp cho khoảng 1 triệu ngôi nhà. Rolls-Royce ước tính ít nhất 16 SMR có thể được lắp đặt tại các địa điểm hạt nhân đang hoạt động ở Anh. Dự kiến, 5 lò phản ứng SMR đầu tiên sẽ có giá 2,2 tỷ bảng mỗi lò và giảm xuống 1,8 tỷ bảng cho các lò tiếp theo.