Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) ngày 12/11 thông báo, tàu thăm dò không gian Rosetta đã thả robot mang tên Philae xuống bề mặt một sao chổi nằm cách Trái Đất 500 triệu km. Đây là một sự kiện lịch sử trong lĩnh vực chinh phục vũ trụ của con người và hứa hẹn sẽ đem lại những giải đáp về nguồn gốc sự sống.Tàu thăm dò Rosetta. Ảnh: livecometdata.com |
Sau khi bay trong không gian suốt 10 năm qua, vào lúc 9 giờ (GMT) ngày 12/11, tàu thăm dò Rosetta đã thả xuống sao chổi Tchourioumov-Guerassimenko (mang tên hai nhà thiên văn Ukraine phát hiện ra nó năm 1969) robot Philae nặng 100kg, vốn là một phòng thí nghiệm di động rất hiện đại.
Chỉ cách sao chổi 20km nhưng phải mất 7 giờ rơi tự do, robot Philae mới có thể "hạ cánh" xuống bề mặt của sao chổi. Philae là tàu vũ trụ đầu tiên trên thế giới "đặt chân" xuống một sao chổi.
Theo ông Philippe Lamy, nhà vật lý thiên văn tham gia dự án, thiết bị tự hành Philae sẽ tiến hành khoan thăm dò trên bề mặt sao chổi. Các mũi khoan chỉ sâu khoảng 20cm và sau đó phân tích các mẫu thu được. Nghiên cứu tính chất, cấu trúc các mẫu đá trên sao chổi có thể cung cấp cho chúng ta những thông tin quan trọng về những thành phần cấu tạo nên nguồn gốc sơ khai của sự sống.
Nhà khoa học trên cũng nói thêm rằng những kết quả thu được về thành phần vật chất hữu cơ sẽ được nhận biết trong vài ngày tới. Ngoài ra, cứ 3 ngày robot Philae lại tiến hành một đơt thí nghiệm mới. Vào tháng 3 tới, robot này sẽ hoàn thành sứ mệnh lịch sử khi sao chổi bay sát Mặt Trời và nó sẽ bị thiêu cháy. Còn tàu thăm dò Rosetta sẽ tiếp tục "bám theo" sao chổi cho tới khi ngôi sao này bay gần nhất với Trái Đất vào tháng 8 năm tới.
Các sao chổi được giới khoa học xác định có cấu tạo chủ yếu gồm băng và bụi carbon. Sao chổi được cho là nắm giữ những bí mật về nguồn gốc hệ Mặt Trời và có thể cả sự sống trên Trái Đất cách đây 4,6 tỷ năm.
Dự án này của ESA đã được các nhà khoa học châu Âu chuẩn bị hàng chục năm nay, với mức kinh phí 1,3 tỷ euro (1,6 tỷ USD).
TTXVN/Tin tức