Vì vậy, để doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng muốn phát triển nhanh và phát triển xa trong quy mô thị trường toàn cầu, muốn gọi vốn ở quỹ đầu tư lớn thì phải chú trọng đến việc bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ đối với sản phẩm, dự án của mình. Liên quan đến phát triển thị trường khoa học và công nghệ dựa trên tài sản trí tuệ cũng như khẳng định tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ đã và đang trở thành bệ phóng để doanh nghiệp Việt Nam vươn xa và phát triển bền vững, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).
Ông nhận định như thế nào về phát triển thị trường khoa học công nghệ dựa trên đổi mới sáng tạo và phát triển tài sản trí tuệ hiện nay?
Thị trường khoa học và công nghệ đã hình thành và phát triển với góc độ các nguồn cung - nguồn cầu, khu vực viện, trường và doanh nghiệp bắt đầu được khai phá. Các tổ chức trung gian như sàn giao dịch công nghệ, các tổ chức tư vấn, tổ chức định giá tài sản trí tuệ... được hình thành nhưng các doanh nghiệp thực sự mua bán, trao đổi trên thị trường khoa học và công nghệ chưa nhiều mà chủ yếu dừng lại ở việc nghiên cứu, phát triển và giao dịch sản phẩm công nghệ và máy móc thiết bị đi kèm, còn sở hữu trí tuệ - tài sản vô hình chưa được coi là tài sản chính trong giao dịch của thị trường khoa học và công nghệ. Ngay trong đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp chưa ý thức về tài sản sở hữu trí tuệ, khi các doanh nghiệp mang các kết quả nghiên cứu từ các viện nghiên cứu, trường ra ứng dụng thì quyền về tài sản trí tuệ được định giá như thế nào, có được tính là vốn góp hay việc phát huy và khai thác tài sản trí tuệ chưa được coi là tài sản trong giao dịch thị trường nên các bạn trẻ khởi nghiệp không dùng quyền về tài sản trí tuệ để đi gọi vốn nhà đầu tư.
Khác với Việt Nam, tại Singapore, Ixrael... những nước có quy mô thị trường nhỏ hơn Việt Nam nhưng họ đã chuyển hóa tài sản trí tuệ thành các mô hình kinh doanh để gọi vốn, để phát triển, vì vậy, star-up, doanh nghiệp Việt muốn phát triển nhanh và phát triển xa trong quy mô thị trường toàn cầu, muốn gọi vốn ở quỹ đầu tư lớn thì phải chú trọng đến việc bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ đối với sản phẩm, dự án của mình, bởi các nhà đầu tư quan tâm đến sản phẩm đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ chưa.
Đặc biệt, Việt Nam đã có nhiều chính sách, quy định và hành lang pháp lý để thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ nhưng những người thực hành để mang những chính sách, tài sản vô hình để biến thành giá trị thực đo được bằng tiền để thuyết phục nhà đầu tư thì vẫn còn thiếu vắng, vì vậy cần lực lượng để khai thác tốt tài sản sở hữu trí tuệ - tài sản vô hình để tài sản vô hình được coi là tài sản chính trong giao dịch của thị trường
Tài sản trí tuệ đã khẳng định vai trò trong sự phát triển đất nước cũng như hội nhập quốc tệ, vậy các doanh nghiệp Việt nhìn nhận và sử dụng tài sản trí tuệ thế nào, thưa ông?
Khách quan thì xuất phát điểm thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam tương đối thấp, cả nguồn cung và nguồn cầu tài sản trí tuệ đều hạn chế, nếu nhìn ở góc độ công nghệ cung của các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp nghiên cứu thì số lượng vẫn còn khiêm tốn và chất ượng công nghệ tài sản trí tuệ tạo ra chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp. Dưới góc độ của doanh nghiệp cũng như những chủ thể khai thác công nghệ, tài sản trí tuệ thì năng lực hấp thụ công nghệ, tài sản trí tuệ gặp khó khăn, vướng mắc về vấn đề quy định sở hữu. Vì vậy cần khơi thông nguồn tài sản trí tuệ ở các viện nghiên cứu, trường đại học bởi trong quản lý tài sản công có đưa ra quy định là việc giao tài sản sở hữu trí tuệ hay sử dụng kết quả nghiên cứu của các viện nghiên cứu, trường đại học được tạo ra từ ngân sách nhà nước vẫn phải theo đánh giá, định giá và thu hồi để trả về ngân sách một khoản tiền mà chưa coi tài sản trí tuệ là phương tiện sản xuất trong bối cảnh cách mạng công nghệ hiện nay như đất đai là sở hữu nhà nước phải cho doanh nghiệp khai thác và doanh nghiệp sẽ đóng góp thông qua chính sách thuế về nhà nước và gián tiếp là nguồn thu từ sản phẩm tạo ra chứ không phải bằng chính quyền sở hữu trí tuệ để bồi thường lại nhà nước. Do vậy, điểm nghẽn này cần được "giải phóng" như nhiều nước đang thực hiện là trao quyền về tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước, viện nghiên cứu, trường đại học cho chính viện, trường và cho nhóm tác giả tạo ra nó để kết hợp với doanh nghiệp thương mại hóa. Thực tế hiện nay, doanh nghiệp "đứng" ở ngoài không thể vào viện nghiên cứu, trường đại học xin mang tài sản ra khai thác bởi quy định về việc không giao quyền sở hữu trí tuệ ý cho đơn vị chủ trì cũng như doanh nghiệp mà có giao thì phải có bồi hoàn về nhà nước khoản nhà nước đầu tư, đây cũng là khó khăn cho cả cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp thương mại hóa.
Bên cạnh đó, về vấn đề nhận thức và thực hành cùng những câu chuyện thành công cụ thể để các bạn trẻ thay đổi tư duy và cách tiếp cận để thành công và vươn xa trong quy mô thị trường toàn cầu. Câu chuyện thành công tại Thành phố Hồ Chí Minh có vợ chồng Lê Diệp Kiều Trang và Sony Vũ. Đối với đôi bạn trẻ này, thì Sony Vũ là người làm ra rất nhiều sáng chế nhưng chính Lê Diệp Kiều Trang mới là người biến những mô hình sáng chế được bảo hộ thành mô hình kinh doanh và sản phẩm cụ thể, điều này đã giúp họ gọi vốn thành công hơn 200 triệu USD trong 3 năm các bạn khởi nghiệp tại Hoa Kỳ. Khi về Việt Nam, các bạn đã mang sáng chế về vật liệu mới khi in máy in 3D thành xe đạp và không có 1 con ốc nào lại nhẹ như máy tính xách tay và đã gọi vốn được 50 triệu USD ngay trong kỳ COVID-19 cuối năm 2020. Những ví dụ biến tài sản trí tuệ, bằng sáng chế thành mô hình kinh doanh, sản phẩm cụ thể rất tiềm năng tại Việt Nam bởi các tiến sĩ, các bạn trẻ ở các viện nghiên cứu, trường đại học nếu có cách tiếp cận để tạo ra những mô hình, sản phẩm kinh doanh dựa trên sở hữu trí tuệ thì có thể biến thành tài sản thực và có quy mô toàn cầu.
Xin ông cho biết giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường khoa học công nghệ dựa trên sở hữu trí tuệ trong thời gian tới?
Để thị trường khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, cần đẩy mạnh vai trò của tổ chức trung gian. Tổ chức trung gian chính là lực lượng giúp doanh nghiệp nhận biết được giá trị tài sản trí tuệ ở đâu và giá trị bao nhiêu để đàm phán với nhà đầu tư, đàm phán với doanh nghiệp có cơ chế hợp tác tốt nhất. Bởi thực tế, những người tạo ra tài sản trí tuệ, nhà sáng chế thì không ý thức được về vấn đề thị trường và cũng không nhận biết được giá trị bao nhiêu, có người đặt mức quá cao nhà đầu tư không chấp nhận, có người thì chỉ muốn giữ cho mình và không muốn chia sẻ với nhà đầu tư, vì vậy tổ chức trung gian vừa phải xác định giá trị và tìm tiếng nói chung giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư với tác giả, nhà sáng chế, từ đó đưa ra mô hình chia sẻ hợp lý, tháo gỡ được khó khăn giữa nguồn cung và nguồn cầu.
Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi được thông qua sẽ là "cú hích" rất lớn thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ khi nguồn tài sản sở hữu trí tuệ được "giải phóng" từ viện nghiên cứu, trường đại học kết hợp với năng lực khai thác thị trường và nguồn đầu tư của doanh nghiệp, tài sản trí tuệ và tài sản hữu hình khi được kết hợp với nhau sẽ tạo ra "cú hích" mới và những người hưởng lợi chính là tác giả sáng chế, người tạo ra sản phẩm có cơ hội để biến công nghệ, tài sản trí tuệ thành tiền hay còn gọi là đổi mới sáng tạo, chính là phải đưa mô hình kinh doanh vào để khai thác tài sản trí tuệ đó tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Trân trọng cảm ơn ông!