Ngày 12/6, Ủy ban Phát triển và nghiên cứu vũ trụ quốc gia (Conida) của Peru cho biết nước này đã phóng thử thành công tên lửa đầu tiên chế tạo 100% bằng công nghệ trong nước, có khả năng đạt tới tầng bình lưu của khí quyển. Công trình phát triển tên lửa này là kết quả nghiên cứu kéo dài 20 năm của các nhà khoa học tại quốc gia Nam Mỹ này.
Tên lửa Paulet 1-B được phóng từ căn cứ khoa học Punta Lobos ở Pucusana. Ảnh: Peru21 |
Người đứng đầu ủy ban trên, ông Mario Pimentel Higueras cho biết tên lửa "Paulet 1-B" đã được phóng ngày 11/6 tại cơ sở khoa học Punta Lobos ở Pucusana, phía nam thủ đô Lima. Ông nhấn mạnh sự kiện khoa học này là dấu mốc quan trọng cho thấy quốc gia Nam Mỹ này có thể đạt được công nghệ đưa vệ tinh lên quỹ đạo vào năm 2020. Ông khẳng định việc lần đầu tiên Peru phóng thành công tên lửa tự tạo sử dụng hoàn toàn công nghệ nội địa đánh dấu một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp phát triển ngành vũ trụ nước này.
Chính phủ Peru cho biết trong dự án tiếp theo, các chuyên gia sẽ cải tiến tên lửa nguyên mẫu "Paulet 1-B", với hy vọng có thể phát triển tên lửa thế hệ thứ 3 trong 7 năm tới nhằm đưa vệ tinh lên quỹ đạo ở độ cao 300 km.
TTXVN/Tin tức