Theo hợp đồng trị giá 843 triệu USD, SpaceX sẽ nghiên cứu và phát triển một tàu vũ trụ được đặt tên là "US Deorbit Vehicle" để phục vụ công tác xử lý ISS an toàn, hạn chế rủi ro đối với các khu vực đông dân cư. NASA sẽ là cơ quan sở hữu và chịu trách nhiệm điều phối hoạt động của thiết bị này trong suốt sứ mệnh trên. Ông Ken Bowersox, một quan chức của NASA, nêu rõ: “Việc chọn thiết bị đưa ISS rời quỹ đạo sẽ giúp NASA và các đối tác quốc tế đảm bảo quá trình chuyển đổi an toàn và có trách nhiệm trên quỹ đạo Trái Đất thấp khi kết thúc hoạt động của trạm vũ trụ”.
Nặng 430.000kg và có kích thước tương đương 1 sân bóng, ISS cho đến nay là cấu trúc đơn lẻ lớn nhất từng được xây dựng trong không gian. Trong thời gian hoạt động suốt 24 năm qua, ISS đa phần phục vụ hoạt động của các phi hành gia Mỹ và Nga. Tình trạng xuống cấp của ISS trong thời gian gần đây đã khiến NASA và nhiều đối tác cân nhắc dừng hoạt động của trạm vũ trụ này vào năm 2030.
Mỹ, Nhật Bản, Canada và các nước tham gia Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã cam kết vận hành phòng thí nghiệm vi trọng lực này đến năm 2030 - mặc dù Nga - đối tác thứ 5, chỉ nhất trí duy trì quan hệ đối tác cho đến năm 2028, là thời điểm mà Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos tin rằng các công nghệ của họ còn có thể sử dụng.
Hoạt động hợp tác trên ISS giữa Mỹ và Nga vẫn được duy trì bất chấp các xung đột địa chính trị hiện nay, dù chỉ đơn thuần liên quan đến vấn đề kỹ thuật. Xung đột của Nga và Ukraine đã khiến Moskva gần như chấm dứt quan hệ hợp tác với phương Tây.
Ban đầu, các động cơ đẩy của Nga được thiết kế để đưa ISS vào bầu khí quyển Trái Đất khi trạm này hết thời gian hoạt động. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, NASA đã tìm kiếm các phương án thay thế trong trường hợp Nga rút khỏi liên minh sớm hơn dự kiến hoặc không có khả năng thực hiện nhiệm vụ.
Kế hoạch xử lý trạm ISS của Mỹ được đẩy nhanh trong những năm gần đây, khi Nhà Trắng và các cơ quan chính phủ khác gây sức ép buộc NASA phải lên các kế hoạch dự phòng trong bối cảnh quan hệ với Nga xấu đi.
Vào giai đoạn sau 2030, NASA dự định tài trợ cho việc phát triển các trạm vũ trụ tư nhân trên quỹ đạo Trái Đất để duy trì sự hiện diện của Mỹ tại đây, với sự tham gia của các công ty Airbus và Blue Origin.
Mặc dù thị trường trạm vũ trụ tư nhân chưa được phát triển, các quan chức Mỹ tin rằng một trạm vũ trụ thay thế thương mại là cần thiết để cạnh tranh với trạm vũ trụ mới hơn của Trung Quốc trên quỹ đạo Trái Đất thấp.
NASA và Trung Quốc đều đang chạy đua công nghệ để đưa con người lên Mặt Trăng. Cơ quan vũ trụ Mỹ đang đầu tư hàng tỷ USD, hợp tác với một số quốc gia và công ty trong đó có SpaceX, để đưa con người trở lại Mặt Trăng kể từ năm 1972.