Phát biểu bên lề một sự kiện chào mừng Ngày Độc lập Mỹ, ông Garcetti khẳng định: “Chúng tôi sẽ đưa một phi hành gia Ấn Độ lên ISS trong năm nay. Chúng tôi đã hứa khi Thủ tướng (Ấn Độ Narendra) Modi đến Mỹ (vào năm 2023) rằng vào cuối năm nay (2024) chúng tôi sẽ thực hiện việc này và sứ mệnh của chúng tôi vẫn đang đi đúng hướng”.
Bên cạnh đó, Đại sứ Garcetti cho hay, vệ tinh viễn thám chung mang tên Radar khẩu độ tổng hợp NASA-ISRO (NISAR) - một sứ mệnh quan sát Trái đất chung giữa Cơ quan vũ trụ Mỹ NASA và Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO), cũng có khả năng được phóng vào cuối năm nay.
Đại sứ cho rằng cả Ấn Độ và Mỹ nên xem xét phối hợp nghiên cứu và phối hợp công nghệ mới nổi quan trọng để ngày càng có thể tận dụng thế mạnh của nhau. Nhà ngoại giao này cho biết Ấn Độ đã hạ cánh tàu vũ trụ “Chandrayaan-3” lên Mặt trăng vào năm ngoái với chi phí chỉ bằng một phần chi phí của Mỹ trong một sứ mệnh Mặt trăng tương tự. Ông nói: “Mỹ có một số năng lực mà Ấn Độ ngày nay vẫn chưa có. Khi kết hợp lại, hai nước sẽ có những năng lực đó”.
Về lĩnh vực năng lượng hạt nhân dân sự, Đại sứ Garcetti cho biết sau cuộc tổng tuyển cử dự kiến kết thúc vào ngày 1/6 tới, Chính phủ Ấn Độ có thể giải quyết các vấn đề trách nhiệm pháp lý còn tồn đọng và tiến tới hợp tác với nhau.
Hai địa điểm ở Ấn Độ là Mithi Virdi (bang Gujarat) và Kovadda (bang Andhra Pradesh) đã được dành cho các công ty Mỹ xây dựng lò phản ứng hạt nhân. Tuy nhiên, phía Mỹ đã bày tỏ quan ngại về Đạo luật Thiệt hại Hạt nhân Trách nhiệm Dân sự năm 2010, quy định bồi thường kịp thời cho các nạn nhân về thiệt hại do sự cố hạt nhân gây ra bất kể có lỗi hay không.