Đây là lần thứ hai NASA thực hiện thử nghiệm như vậy, qua đó giúp các phi hành gia bảo toàn tính mạng mỗi khi xảy ra sự cố cháy.
Theo thông báo của NASA công bố ngày 21/11, tàu vũ trụ không người lái Cygnus do hãng Orbital ATK vận hành sẽ là nơi tiến hành thử nghiệm lần thứ hai khi tàu này trên đường quay trở lại Trái Đất. Cygnus đã tách khỏi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) vào lúc 20h22 ngày 21/11, chở theo 1,5 tấn rác các loại và dự kiến trở về Trái Đất vào sáng 28/11.
Khi Cygnus bắt đầu thâm nhập vào bầu khí quyền của Trái Đất, các nhà khoa học sẽ làm cháy 9 khoang vật liệu trên tàu và theo dõi quá trình đám cháy diễn ra trong môi trường không trọng lượng. Những vật liệu này bao gồm các mảnh vải chịu lửa được dùng làm bộ đồ của phi hành gia, các mảnh thủy tinh và silicone tổng hợp.
Mỗi mẫu này có kích thước vào khoảng 5x28cm và được đặt tại các khoang chứa riêng biệt có lắp 2 máy quay có độ phân giải cao. Bằng cách này các nhà khoa học có thể theo dõi quá trình đốt cháy của các vật liệu, tuy nhiên chỉ một số vật mẫu bị đốt cháy trong thí nghiệm lần này.
Việc đốt cháy các vật liệu trên tàu vũ trụ để thí nghiệm đám cháy trong không gian là một phần trong dự án"Thí nghiệm cháy trên tàu vũ trụ" hay còn gọi là "Saffire" nhằm tìm hiểu liệu môi trường không trọng lượng có kiềm chế được đám cháy hay không, đồng thời hiểu rõ quá trình đốt cháy các vật liệu.
Người đứng đầu dự án Saffire, Gary Ruff cho hay đám cháy trên tàu vũ trụ là một trong những mối quan tâm của NASA nói riêng và cộng đồng khám phá vũ trụ quốc tế nói chung liên quan đến sự an toàn của các phi hành đoàn. Theo ông, những nghiên cứu này là nhằm cải thiện mức độ an toàn của các phi hành gia trong không gian.
Dự kiến, cuộc thí nghiệm tiếp theo trong dự án "Saffire" sẽ được thực hiện vào đầu năm 2017.