Các đám mây nhân tạo sẽ được tạo ra để giúp các nhà khoa học nghiên cứu cực quang. |
RT dẫn nguồn tin cho hay, theo kế hoạch ban đầu, phụ thuộc vào mức độ quang đãng của bầu trời và sự hoạt động của cực quang trên bầu khí quyển của Trái đất, hoạt động phóng đồng thời hai tên lửa nghiên cứu lên bầu khí quyển để chế mây nhân tạo của NASA hoặc diễn ra vào ngày 13/2 hoặc ngày 3/3 ở Alaska, trong khoảng thời gian giữa 7 giờ tối đến nửa đêm giờ địa phương.
Trong thiên văn học, cực quang là một hiện tượng quang học đặc trưng, biểu hiện bằng nhiều màu sắc ánh sáng trên bầu trời về đêm, hình thành từ sự tương tác của các hạt mang điện tích từ gió Mặt trời với tầng khí quyển bên trên của hành tinh. |
Theo NASA, hai quả tên lửa Black Brant IX dài 17 m sẽ bay trong 10 phút. Một trong hai quả tên lửa sẽ tạo ra các đám mây nhân tạo màu trắng mờ và đạt độ cao cao nhất khoảng 172 km. Quả tên lửa còn lại được lên kế hoạch bay đến độ cao khoảng 323 km.
Hai tên lửa nghiên cứu này sẽ cung cấp những công cụ nghiên cứu theo phương thẳng đứng chưa từng có để giúp NASA tìm hiểu sự phụ thuộc vào độ cao của các quá trình tạo tia mờ bên trong cực quang.
Quả tên lửa nghiên cứu được chế tạo để tạo ra mây nhân tạo được trang bị chất trimethul aluminum (TMA) có công thức hóa học C6H18AL2. Chất này sẽ phản ứng với oxy trong bầu khí quyển để tạo ra đám mây trắng, là cơ sở để các nhà khoa học quan sát gió cực quang.
Các nhà khoa học cho biết TMA sẽ được giải phóng ở độ cao 96 – 160 km và khối lượng được sử dụng ít hơn lượng được sử dụng trong chương trình bắn pháo hoa mừng ngày quốc khánh Mỹ 4/7, do đó khẳng định hoạt động này không tạo ra bất kỳ tác hại gì với cộng đồng.
Tên lửa được phóng từ trung tâm phóng tên lửa nghiên cứu Poker Flat Research Range ở Alaska. Mỗi quả tên lửa sẽ mang theo một thiết bị khác biệt để nghiên cứu cực quang Trái đất cũng như sự tương tác của cực quang với tầng cao khí quyển và tầng điện ly.