Các nhà khoa học Romania đã phát minh ra loại máu nhân tạo làm từ nước, muối và protein. Loại máu này đang được thí nghiệm trên cơ thể chuột.
Máu nhân tạo có thể giúp chấm dứt tình trạng thiếu nguồn cung máu.
|
Loại máu này chứa các thành phần gồm nước và muối cùng với một loại protein có tên là hemerythrin được chiết xuất từ những con giun biển.
Các nhà nghiên cứu của trường đại học Babes-Bolyai ở Clui-Napoca, Romania hi vọng rằng với việc phát minh ra loại máu nhân tạo này, họ có thể giúp chấm dứt tình trạng thiếu nguồn cung máu và ngăn chặn những bệnh truyền nhiễm thông qua việc hiến máu.
Bác sĩ Radu Silaghi-Dumitrescu cho biết thêm phát minh này còn có thể mở đường cho việc tạo ra một loại “máu tức thời” có thể vận chuyển và biến thành máu nhân tạo khi thêm nước vào. Hiện máu nhân tạo đang được thí nghiệm trên chuột và chưa có thấy có phản ứng phụ nào. Các nhà nghiên cứu hy vọng có thể đưa máu nhân tạo vào các cuộc thử nghiệm trên người trong vòng 1 hoặc 2 năm tới.
Trước phát minh này, những nỗ lực tạo ra máu nhân tạo của các nhà khoa học đều thất bại. Công trình này dựa trên nghiên cứu của hai trường đại học Edinburgh và Bristol (Anh), nơi đã tạo ra hàng triệu tế bào máu đỏ từ các tế bào gốc trong tủy xương vào năm 2011.
A.M
(Theo D.M)