Các nhà khoa học Mỹ ngày 8/9 thông báo vừa chế tạo thành công một "chiếc mũi nhân tạo" có khả năng "ngửi" được mùi từ các vi khuẩn gây nhiễm trùng máu. Phát minh mới này được ứng dụng rộng rãi có thể giúp cứu sống nhiều mạng người cũng như giúp giảm đáng kể chi phí y tế.
Đặc điểm nổi bật của "chiếc mũi" là có khả năng phát hiện virút gây nhiễm trùng trong máu trong vòng 24 giờ, nhanh hơn tới 2 ngày so với phương pháp xét nghiệm thông thường. Công nghệ xét nghiệm hiện nay đòi hỏi phải ủ mẫu máu trong thùng chứa trong vòng 24 - 48 giờ để có thể xác định chính xác có hay không sự tồn tại của vi khuẩn gây nhiễm trùng máu. Sau đó cần thêm ít nhất 24 giờ nữa để xác định loại vi khuẩn và thuốc điều trị thích hợp. Với thời gian xét nghiệm kéo dài, bệnh nhân đứng trước nguy cơ cao về tổn thương nghiêm trọng hoặc thậm chí tử vong do nhiễm độc.