Ông đánh giá thế nào về Quy hoạch hạ tầng Thông tin và truyền thông giai đoạn 2021- 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, thưa ông?
Chúng ta đều biết quy hoạch có ý nghĩa quan trọng đối với tất cả lĩnh vực. Đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông, quá trình phát triển thời gian qua được đánh giá tốt với nhiều thành quả như ngày hôm nay.
Để tiếp bước trong thời gian tới, hạ tầng thông tin và truyền thông sẽ gặp thách thức lớn bởi sự bùng nổ và phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, ứng dụng số. Quyền của cộng đồng, người tiêu dùng cũng sẽ lớn và khác so với trước đây. Bên cạnh đó là sự cá biệt hoá nhu cầu theo địa bàn, lĩnh vực, dân cư…
Do đó, quy hoạch phát triển thông tin và truyền thông trong thời gian tới có cái nhìn khác hơn so với trước đây và phải đón đầu nhiều xu hướng về công nghệ và về văn hoá.
Việc phát triển Internet cũng cần thay đổi để luôn đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng, doanh nghiệp, người dân. Trước sự thay đổi trong thời gian tới, quy hoạch internet phải mạnh dạn trong quy mô, trong công nghệ và cả chiều sâu. Nếu đạt được các chỉ tiêu trong quy hoạch này sẽ mở ra không gian mới cho phát triển Internet Việt Nam.
Vậy theo ông, cần triển khai như thế nào để đạt được các chỉ tiêu theo quy hoạch này?
Để đạt chỉ tiêu trong quy hoạch, theo tôi, điều quan trọng là giải pháp để đạt được chỉ tiêu đó. Quy hoạch có thể là vẽ bức tranh, nhưng giải pháp không cụ thể sẽ chưa rõ con đường đi. Yếu tố quan trọng trong quy hoạch là dự báo được nhu cầu. Trong khi đó, nhu cầu về vấn đề này đang thay đổi rất nhanh, nhiều chiều, nhiều yếu tố tác động.
Do đó, quy hoạch dự báo được nhu cầu tiêu dùng và biến hoá trong tương lai theo xu hướng của công nghệ và xu hướng của đời sống, từ đó có biện pháp, phương án để triển khai thực hiện. Tôi cho rằng, có giải pháp huy động nguồn lực tham gia. Từ quy hoạch chung, chúng ta chia nhỏ theo từng phạm trù, lĩnh vực.
Các chỉ số trong quy hoạch được tính toán kỹ và tôi tin tưởng có thể đạt được. Bộ Thông tin và Truyền thông tham mưu xây dựng quy hoạch này không có nghĩa là trách nhiệm của riêng Bộ trong thực hiện mà còn là trách nhiệm chung của cả xã hội, cộng đồng, nền kinh tế quốc gia. Do đó, nếu tổ chức tốt thì các mục tiêu này đều có thể đạt được.
Trong Quy hoạch hạ tầng Thông tin và truyền thông này có đề ra nhiệm vụ xây dựng tối thiểu 3 cụm trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp quốc gia; thêm 4-6 tuyến cáp quang biển. Theo ông, chỉ tiêu này đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng Inernet chưa?
Về cáp biển, việc mở thêm là cấp thiết, nhằm phát triển hạ tầng Internet tại Việt Nam và đáp ứng nhu cầu rất lớn của người dân. Đầu tư vào cáp biển là một trong những phạm trù, biện pháp rất cần chú ý.
Việc này liên quan đến dung lượng, hướng tuyến, sử dụng công nghệ nào, trách nhiệm các bên trong khai thác… Tôi cho rằng, chỉ riêng phân mảng về cáp biển đang cần dung lượng rất lớn, gấp nhiều lần so với hiện nay.
Còn về trung tâm dữ liệu, đây sẽ là hạ tầng số rất quan trọng, nhất là với mục tiêu phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Tiềm năng để xây dựng trung tâm dữ liệu tầm quốc gia là điều hoàn toàn có. Tuy nhiên, vai trò, vị trí của trung tâm dữ liệu này như thế nào là điều cần có chính sách hỗ trợ.
Trung tâm dữ liệu sẽ rất cần nhiều nguồn vốn đầu tư nhưng tiềm năng sẽ rất lớn. Rõ ràng, băng thông dung lượng cáp biển, không dây, trung tâm dữ liệu… sẽ là hạ tầng liên thông với nhau, đồng bộ để có hạ tầng số đáp ứng nhu cầu lớn trong thời gian tới.
Để giúp Internet phát triển, còn cần kết nối lõi của hạ tầng số đi kèm, phát triển song hành ứng dụng số, nội dung số, dịch vụ online….
Do đó, quy hoạch này sẽ vừa là động lực, sức hút với các đơn vị tham gia, vừa đẩy hạ tầng số của quốc gia lên và từ đó phát triển kinh tế số và các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác.
Xin trân trọng cảm ơn ông!