Một phát thanh viên tại trung tâm điều khiển của đài quan sát NASA ở Baltimore cho biết: “Toàn bộ 5 lớp của tấm chắn nắng đều được căng lên hoàn toàn”. Tấm chắn nắng hình con diều dài 21 mét hoạt động giống như một chiếc ô che nắng, đảm bảo giữ các thiết bị của kính viễn vọng James Webb ở trong bóng râm để chúng có thể phát hiện ra tín hiệu hồng ngoại từ vùng xa xôi của vũ trụ.
Từng lớp chắn nắng được mở ra lần lượt trong hai ngày và khi kết hợp với nhau, chúng tạo ra khả năng bảo vệ chống nắng với chỉ số SPF lên tới 1 triệu. Tấm chắn này sẽ được định vị cố định giữa kính thiên văn với Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng, với mặt hướng về phía Mặt Trời được thiết kế để chịu được 110 độ C. Mỗi lớp kế tiếp sẽ mát hơn lớp bên trên, cho phép dụng cụ cảm biến của kính thiên văn hoạt động ở mức -228 độ C. Tấm chắn được làm bằng vật liệu nhẹ gọi là Kapton, phủ một lớp silicon đã qua xử lý và có thêm các đường nối "ripstop" đặc biệt để hạn chế thiệt hại từ các thiên thạch.
Do kích thước quá lớn để có thể khớp với mũi tên lửa hình nón trong thiết kế, kính thiên văn được gập lại theo phong cách xếp giấy origami khi được vận chuyển. Kỹ thuật thả buồm (Unfurling) là một nhiệm vụ phức tạp và đầy thách thức, việc lắp đặt như vậy là hoạt động khó khăn nhất NASA đã từng thực hiện. Thomas Zurbuchen, Phó quản trị viên ban sứ mệnh khoa học của NASA cho biết: "Đây là lần đầu tiên có người lắp đặt một chiếc kính thiên văn lớn như thế này vào không gian. Thành công của việc lắp đặt khó khăn nhất - tấm che nắng - là minh chứng đáng kinh ngạc cho sự khéo léo của con người và kỹ năng về kỹ thuật sẽ cho phép kính viễn vọng James Webb hoàn thành các mục tiêu khoa học của mình".
Kính thiên văn không gian James Webb là "thế hệ sau" của kính viễn vọng không gian huyền thoại Hubble. Đây là một siêu kính viễn vọng có kích thước và độ phức tạp chưa từng thấy. Phần gương của kính viễn vọng này có đường kính đến 6,5m, gấp 3 lần so với kính Hubble, được tạo thành từ 18 mảnh gương lục giác. Phần này lớn đến mức NASA phải gấp lại để lắp kính vào tên lửa.
Tuy vậy, kính thiên văn James Webb có quỹ đạo quay quanh Mặt Trời là 1,5 triệu km tính từ Trái Đất, xa hơn nhiều so với kính viễn vọng Hubble chỉ hoạt động trên quỹ đạo của Trái Đất tại độ cao khoảng 610 km kể từ năm 1990. Giới khoa học kỳ vọng rằng thiết bị này sẽ giúp giải đáp các câu hỏi cơ bản về vũ trụ, quay ngược thời gian 13 tỷ năm trước. Kính thiên văn mới này cũng sẽ cung cấp thông tin mới về gần 5.000 hành tinh nằm ngoài Hệ Mặt Trời.