Theo kênh truyền hình RT, kính thiên văn lớn nhất trong không gian đã phải chịu hư hại vĩnh viễn sau khi va phải một thiên thạch vào tháng 5 vừa qua.
Mảnh thiên thạch nhỏ đã đâm vào kính thiên văn James Webb trong khoảng thời gian từ ngày 22/5 đến 24/5. Theo báo cáo điều tra của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) và Cơ quan Không gian Canada công bố tuần trước, vụ va chạm đã gây ra một sự thay đổi không thể sửa chữa được đối với đoạn gương C3 của kính quan sát. Tuy nhiên, các cơ quan này khẳng định tác động từ thiệt hại đó là rất nhỏ so với kích thước lớn của kính thiên văn.
Mặc dù kính thiên văn được thiết kế để chịu được những va chạm như vậy, nhưng báo cáo cho biết vụ việc hồi tháng 5 đã vượt ngoài dự đoán của các chuyên gia về tác động từ một vụ va chạm với tiểu hành tinh đơn lẻ.
Trong khi quá trình phân tích thiệt hại đang diễn ra, NASA khẳng định kính thiên văn James Webb vẫn hoạt động và vượt qua tất cả các nhiệm vụ mặc dù có một chút ảnh hưởng, song ảnh hưởng đó có thể phát hiện được khi thu nhận và phân tích dữ liệu.
Ra mắt vào tháng 12/2021, kính thiên văn James Webb dự kiến thay thế kính viễn vọng không gian Hubble hoạt động từ năm 1990. Hình ảnh đầu tiên do kính thiên văn James Webb chụp có vùng phủ sóng dài hơn Hubble đã được công bố vào tuần trước.