Phần mềm Pegasus của tập đoàn NSO được cài đặt trên điện thoại thông minh. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo tờ Politico ngày 6/5, phán quyết được đưa ra sau quá trình xét xử vụ kiện liên quan đến việc NSO Group sử dụng phần mềm gián điệp Pegasus để khai thác lỗ hổng trong hệ thống gọi video của WhatsApp, nhằm cài mã độc vào khoảng 1.400 thiết bị vào năm 2019. Trong số các nạn nhân có nhiều nhà báo, nhà hoạt động và thành viên của các tổ chức xã hội dân sự trên toàn cầu.
Bồi thẩm đoàn yêu cầu NSO Group phải bồi thường hơn 167 triệu USD tiền thiệt hại mang tính trừng phạt và khoảng 440.000 USD tiền bồi thường thiệt hại trực tiếp. Đây được xem là một trong những phán quyết quan trọng đầu tiên chống lại hoạt động phát triển và sử dụng phần mềm gián điệp thương mại trái phép.
WhatsApp đã khởi kiện NSO Group sau khi phát hiện vụ việc, đánh dấu tiền lệ pháp lý đáng chú ý trong nỗ lực bảo vệ người dùng khỏi các hành vi giám sát trái phép trên không gian mạng.
Trong tuyên bố sau phán quyết, Meta - công ty mẹ của WhatsApp - khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi lệnh cấm NSO Group nhắm vào nền tảng này trong tương lai, đồng thời cho biết sẽ trích một phần số tiền bồi thường để hỗ trợ các tổ chức bảo vệ quyền kỹ thuật số. Meta cũng dự kiến công bố các bản ghi lời khai của Giám đốc điều hành NSO và các cá nhân liên quan nhằm hỗ trợ các nhà phân tích và chuyên gia hiểu rõ hơn về cách phần mềm gián điệp được triển khai trên toàn cầu.
Meta khẳng định phán quyết lần này là một bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ quyền riêng tư và an toàn thông tin, đồng thời là chiến thắng pháp lý đầu tiên nhằm chống lại việc phát triển và sử dụng phần mềm gián điệp bất hợp pháp.
Phía NSO Group cho biết đang xem xét kỹ lưỡng nội dung phán quyết và cân nhắc các biện pháp pháp lý tiếp theo, bao gồm khả năng kháng cáo. Ông Gil Lainer, Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông toàn cầu của công ty, khẳng định phần mềm Pegasus được phát triển với mục đích hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật trong việc phòng chống khủng bố và tội phạm nghiêm trọng, đồng thời nhấn mạnh rằng công nghệ này luôn được triển khai trong khuôn khổ pháp luật.
NSO Group đã đối mặt với nhiều chỉ trích trên phạm vi toàn cầu sau khi phần mềm Pegasus bị cáo buộc được sử dụng để theo dõi công dân, nhà báo và cả quan chức chính phủ. Năm 2021, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa công ty này vào “danh sách đen thương mại”, qua đó cấm các doanh nghiệp Mỹ thực hiện giao dịch với NSO Group. Cũng trong năm đó, Nghị viện châu Âu thành lập một ủy ban đặc biệt để điều tra việc triển khai phần mềm Pegasus tại các quốc gia thành viên.
Trước WhatsApp, Apple cũng từng đệ đơn kiện NSO Group vì lý do tương tự, nhưng sau đó đã rút đơn vào năm 2024 do lo ngại nguy cơ rò rỉ dữ liệu người dùng trong quá trình xét xử.
Nhà nghiên cứu cấp cao John Scott-Railton từ Citizen Lab - đơn vị hỗ trợ điều tra vụ tấn công - nhận định đây là tổn thất nghiêm trọng đối với NSO Group. Ông cho rằng công ty đã thu lợi hàng triệu USD từ việc hỗ trợ các chính phủ theo dõi những người bất đồng chính kiến, đồng thời nhấn mạnh đây là lời cảnh báo mạnh mẽ gửi tới toàn ngành công nghiệp phần mềm gián điệp.