Trước đó 1 ngày, tờ New York Times cho biết khoảng 150 công ty (trong đó có các đối tác lớn của trang mạng gồm Amazon, Microsoft, Netflix và Spotify) đã tiếp cận thông tin chi tiết của người dùng Facebook, trong đó có thông tin về bạn bè của họ.
Theo New York Times, Facebook đã cho phép trang công cụ tìm kiếm Bing của tập đoàn Microsoft xem được tên bạn bè của những người dùng Facbook mà chưa được phép của họ, cũng như cho phép Netflix và Spotify đọc những tin nhắn riêng tư. Bên cạnh đó, Facebook còn cho phép Amazon có được tên và thông tin liên lạc của người dùng thông qua bạn bè của họ, trong khi Yahoo có thể xem được thông tin mà bạn bè người dùng đăng tải.
Phản ứng trước thông tin trên, người đứng đầu bộ phận phát triển nền tảng và chương trình của Facebook, Konstantinos Papamiltiadis khẳng định không một đối tác hoặc công ty nào tiếp cận thông tin mà không được phép của người dùng cũng như không vi phạm thỏa thuận về quyền riêng tư đạt được hồi năm 2012 với Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ.
Theo ông, việc Facebook hợp tác với các đối tác tích hợp này là nhằm giúp người dùng có thể tiếp cận các tài khoản Facebook hoặc những tính năng đặc biệt trên các thiết bị và nền tảng được các đối tác như Apple, Amazon, Blackberry và Yahoo phát triển. Facebook cũng cho biết trong những tháng gần đây đã ngừng hợp tác với gần như toàn bộ các đối tác này, ngoại trừ Apple và Amazon.
Facebook đang trải qua cuộc khủng hoảng do bị ảnh hưởng danh tiếng khi bị dư luận chỉ trích thiếu các biện pháp bảo mật thông tin người dùng sau vụ bê bối công ty Cambridge Analytica của Anh sử dụng trái phép dữ liệu "đánh cắp" từ 87 triệu người dùng trang mạng xã hội này. Mới đây nhất, ngày 6/12, nghị sĩ Anh – ông Damian Collins đã công bố 200 trang tài liệu từ các thư điện tử bí mật và nội bộ của Facebook. Theo đó, nội dung tập trung thảo luận những khoản chi trả để các công ty, như Netflix, Airbnb hay Lyft, có thể có quyền truy cập đặc biệt và sử dụng dữ liệu của người dùng mạng xã hội này.