Đáp ứng hội nhập quốc tế thông qua hoạt động đo lường

Đo lường là ngành khoa học quan trọng trong các ngành khoa học, đặc biệt là khoa học kỹ thuật. Trước đây, đo lường đã có vai trò lớn trong điều khiển và tự động hóa.

Chú thích ảnh
Sản xuất các loại loa và tai nghe điện thoại di động tại nhà máy của Công ty TNHH Điện tử Foster (Bắc Ninh), tại Khu Công nghiệp Đô thị và Dịch vụ VSIP Bắc Ninh, xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh minh họa: Thống Nhất/TTXVN

Ngày nay, đo lường còn đóng vai trò định lượng nhiều vấn đề mà cuộc sống yêu cầu như định lượng về thời gian làm việc, năng suất lao động, nhiên, nguyên liệu, vật tư tiêu hao, sản lượng, chất lượng... nhất là khi dữ liệu đang được đánh giá là nguồn tài nguyên cực kỳ quan trọng trong tương lai gần. Bên cạnh đó, đo lường trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu, thiết kế triển khai và là cầu nối cho sản xuất thông minh. 

Tại Việt Nam, hoạt động quản lý đo lường thời gian qua đã có sự thay đổi về mặt nhận thức trong hoạt động quản lý, vừa tập trung đảm bảo tính pháp lý trong khuôn khổ của đo lường pháp định, vừa tập trung vào đo lường khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng hội nhập quốc tế, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Thay đổi về nhận thức

Theo Tiến sỹ Hà Minh Hiệp, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), thời gian qua, công tác quản lý đo lường đã có sự thay đổi về nhận thức, đặc biệt là trong quản lý, đầu tư. Một bước đánh dấu thành công của lĩnh vực này, việc sản xuất chất chuẩn trong đo lường trước đây chỉ sản xuất trong quy mô ở phòng thí nghiệm, tuy nhiên với kinh nghiệm và việc hệ thống sản xuất chất chuẩn được triển khai theo Quy chuẩn kỹ thuật QCVN 17043, dự kiến năm 2024, Việt Nam sẽ được công nhận hệ thống sản xuất chất chuẩn. 

Bên cạnh đó, các hoạt động đo lường đã có chuyển biến cụ thể trong doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, dịch vụ như: Triển khai chương trình đảm bảo đo lường tại các tổ chức/doanh nghiệp; thực hiện chương trình so sánh liên phòng về đo lường; thúc đẩy hoạt động sản xuất chất chuẩn trong đo lường tại nhiều địa phương trên cả nước.

Công tác hỗ trợ doanh nghiệp triển khai theo Chương trình đảm bảo đo lường được hướng dẫn tại Quyết định số 510/QĐ-BKHCN ngày 17/3/2021 về “Hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp”  do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành đã được chú trọng, đẩy mạnh, bước đầu có kết quả, được nhiều doanh nghiệp hưởng ứng và đánh giá cao. Đến nay, hàng chục doanh nghiệp đã công bố thực hiện chương trình này tại các tỉnh/thành phố: Thái Nguyên, Bình Định, Bắc Giang, Thừa Thiên - Huế.

Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Đề án 996) được các Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai tổ chức thực hiện, giúp đổi mới chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi và tiết kiệm chi phí trong thực hiện thủ tục nhập khẩu của doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, Đề án 996 nhằm phát triển hạ tầng đo lường quốc gia theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu bảo đảm đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam, phù hợp với quy hoạch phát triển bộ ngành, địa phương. Đồng thời tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên; xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp; tăng cường hoạt động đo lường gắn chặt với hoạt động doanh nghiệp. Cùng với đó, xây dựng và áp dụng hiệu quả bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường để tăng cường hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước về đo lường…

Hiện nay, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã xây dựng và hình thành mạng lưới thực hiện dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm gồm gần 600 tổ chức đăng ký, gần 400 tổ chức được chỉ định với khoảng gần 5 nghìn kiểm định viên đang hoạt động được chứng nhận và cấp thẻ kiểm định viên đo lường…

Bên cạnh đó, hệ thống chuẩn đo lường quốc gia đã từng bước phát triển và hoàn thiện trong giai đoạn qua. Tính đến nay, đã có 31/41 chuẩn đo lường quốc gia thuộc Quy hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1361/QĐ-TTg ngày 8/8/2013 đã được thông qua. Các chuẩn đo lường quốc gia này có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, giúp Việt Nam tham gia một cách hiệu quả Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau toàn cầu về đo lường (CIPM MRA). Đặc biệt, năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 24/11/2023 phê duyệt “Kế hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2030” (gọi tắt là Quyết định 1488). Kế hoạch nêu rõ ưu tiên phát triển những lĩnh vực chuẩn phục vụ các ngành, nghề kinh tế mũi nhọn và an ninh quốc phòng có độ chính xác, phạm vi đo phù hợp hoặc tương đương với trình độ chuẩn của một số nước trong khu vực như: Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc... Theo Tiến sỹ Hà Minh Hiệp, hiện nay, khối cơ quan Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đang xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1488 để sớm đưa vào thực tiễn các nội dung được quy định trong văn bản chính sách này. 

Phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững

Chú thích ảnh
Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đưa vào hoạt động Trung tâm Vận chuyển và Kho vận khu vực phía Bắc cùng Hệ thống chia chọn tự động công nghệ Cross Belt, với toàn bộ quy trình chia chọn hàng hóa đều tự động hóa, được kiểm soát bằng mã vạch; ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chính xác 100%. Ảnh tư liệu: Minh Quyết/TTXVN

Theo ông Trần Quý Giầu, Vụ trưởng Vụ Đo lường (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), tiếp tục triển khai Đề án 996, các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện các hoạt động cụ thể đáp ứng mục tiêu đến năm 2025 sẽ phát triển hạ tầng đo lường quốc gia đáp ứng công nhận đủ 41 chuẩn đo lường quốc gia theo quy hoạch đã được phê duyệt; công nhận ít nhất 200 phép đo hiệu chuẩn được quốc tế thừa nhận trong khuôn khổ Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau toàn cầu về đo lường (CIPM-MRA); phát triển ít nhất 100 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo lường các loại đáp ứng nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho doanh nghiệp; bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường ít nhất 10 nghìn cán bộ tham gia hoạt động đo lường.

Đồng thời , triển khai Chương trình đảm bảo đo lường cho ít nhất 50 nghìn doanh nghiệp bao gồm doanh nghiệp có vốn nhà nước và doanh nghiệp tư nhân; triển khai áp dụng bộ tiêu chí đánh giá quốc gia ít nhất 1 nghìn phòng thí nghiệm được công nhận trong cả nước cho các lĩnh vực đo lường…

Cũng theo ông Trần Quý Giầu, mục tiêu lâu dài, tới năm 2030, phát triển hạ tầng đo lường quốc gia đáp ứng công nhận ít nhất 300 phép đo hiệu chuẩn được quốc tế thừa nhận trong khuôn khổ Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau toàn cầu về đo lường (CIPM-MRA); phát triển ít nhất 250 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo lường các loại đáp ứng nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho doanh nghiệp; bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường ít nhất 20 nghìn cán bộ tham gia hoạt động đo lường; triển khai Chương trình đảm bảo đo lường cho ít nhất 100 nghìn doanh nghiệp bao gồm doanh nghiệp có vốn nhà nước và doanh nghiệp tư nhân; triển khai áp dụng bộ tiêu chí đánh giá quốc gia ít nhất 2 nghìn phòng thí nghiệm được công nhận trong cả nước cho các lĩnh vực đo lường…

Việc hiện thực hóa chuẩn đo lường được quy định tại Đề án 996 cũng như các văn bản chính sách pháp luật liên quan sẽ giúp hoạt động đo lường của Việt Nam sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng đáp ứng yêu cầu của quản lý nhà nước, cũng như nhu cầu của doanh nghiệp và người dân; hướng tới phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững.

Thu Phương (TTXVN)
Phát triển chuẩn đo lường quốc gia theo hướng hiện đại
Phát triển chuẩn đo lường quốc gia theo hướng hiện đại

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 24/11 phê duyệt “Kế hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2030”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN