Theo đó, các tổ chức và nhà đầu tư đang dần thoái vốn khỏi các công ty nhiên liệu hóa thạch bởi tài sản của họ dễ gặp phải rủi ro vì các mục tiêu cắt giảm khí thải vốn ngày càng khắt khe sẽ không khuyến khích sử dụng nhiên liệu hóa thạch và năng lượng tái tạo ngày càng trở nên rẻ hơn.
Tổ chức Carbon Tracker với trụ sở chính tại London (Anh) đã phân tích lợi nhuận của 6.685 nhà máy than trên thế giới, chiếm 95% năng lực sản xuất toàn cầu. Theo đó, 42% công suất than toàn cầu đã không có lợi nhuận. Từ năm 2019 trở đi chi phí năng lượng tái tạo sẽ giảm, trong khi các quy định hạn chế ô nhiễm môi trường và giá khí thải carbon sẽ gây thêm áp lực chi phí.
Không chỉ vậy, đến năm 2030, nguồn năng lượng gió và Mặt Trời sẽ rẻ hơn so với việc tiếp tục duy trì hoạt động của 96% các nhà máy than đang có và đã được lên kế hoạch.
Ngày 2/12, gần 195 quốc gia sẽ nhóm họp tại Katowice, Ba Lan - một trong những khu vực khai thác than bị ô nhiễm nhiều nhất tại châu Âu - để thống nhất các quy tắc thực hiện thỏa thuận quan trọng về cắt giảm khí thải carbon toàn cầu, còn được gọi là Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Các nỗ lực hạn chế tình trạng nóng lên của Trái Đất đang được triển khai tại nhiều nơi trên thế giới, thông qua việc sử dụng nhiều hơn nữa năng lượng tái tạo và giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch như than đá và dầu mỏ cho sản xuất điện, song lượng khí phát thải trên toàn cầu vẫn tăng cao.
Một báo cáo của Liên hợp quốc trong tháng Mười vừa qua cho biết tỷ trọng của điện than trong tổng nguồn điện toàn cầu cần phải cắt giảm xuống dưới mức 2% đến năm 2050, nhằm duy trì nhiệt độ toàn cầu tăng trong giới hạn cho phép.
Báo cáo của LHQ ước tính với việc loại bỏ sử dụng than đá đến năm 2040, các nhà đầu tư có thể tránh được "rủi ro" tài sản với tổng giá trị lên đến 267 tỷ USD.