Theo kênh CNN, lần đầu tiên các nhà thiên văn học quan sát được một vụ va chạm giữa ba dải ngân hà, khiến ba hố đen của chúng cũng sẽ đâm vào nhau.
Vụ va chạm chấn động này được xác định tại vị trí cách Trái đất 1 tỷ năm ánh sáng ở hệ thống SDSS J084905.51+111447.2. Để quan sát được, nhóm chuyên gia phải sử dụng kính viễn vọng ở mặt đất và cả trên vũ trụ.
Kính viễn vọng Sloan ở New Mexico đã chụp ảnh hệ thống này dưới ánh sáng quang học. Sau đó, Kính khảo sát hồng ngoại diện rộng của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cũng ghi nhận được ánh sáng hồng ngoại rực rỡ phát ra từ vụ va chạm. Ngoài ra, Trạm quan sát tia X-quang Chandra cũng cho thấy các điểm phát sáng ở trung tâm mỗi dải ngân hà. Các chuyên gia cũng phát hiện khí ga và mây bụi quanh vùng không gian này. Tổng hợp lại, những yếu tố trên cho thấy sự hiện diện của các siêu hố đen "háu đói".
Nghiên cứu về hệ thống nhân ba này vừa được đăng trên tạp chí chuyên ngành The Astrophysical Journal.
“Chúng ta mới chỉ tìm thấy các cặp hố đen tại thời điểm hiện tại, và giờ đây, thông qua kỹ thuật có chọn lọc, chúng tôi tìm thấy hệ thống thú vị này. Đây là bằng chứng mạnh mẽ nhất chưa từng có về một hệ thống nhân ba của các siêu hố đen khổng lồ đang hoạt động”, trưởng nhóm nghiên cứu Ryan Pfeifle làm việc tại Đại học George Mason cho biết.
Như trước đây, các cặp hố đen sẽ hợp nhất làm một hố lớn hơn. Vì thế, ba hố đen hợp nhất có thể đạt kích thước siêu khổng lồ.