Theo ISRO, tên lửa đẩy PSLV-C46 rời bệ phóng lúc 5h30' (giờ địa phương) sáng cùng ngày từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan, bang Andhra Pradesh trong sứ mệnh thứ 48 của mình và mang theo vệ tinh nặng 615 kg nói trên.
Vệ tinh RISAT-2B theo kế hoạch sẽ được sử dụng trong các lĩnh vực giám sát, nông - lâm nghiệp và hỗ trợ quản lý thảm họa. RISAT-2B được đưa vào quỹ đạo cách Trái Đất 555 km sau khi phóng khoảng 15 phút.
Bình luận về sự kiện này, Chủ tịch ISRO K Sivan khẳng định đây là một sứ mệnh hết sức quan trọng của tên lửa đẩy PSLV. Với vụ phóng này, tên lửa PSLV đã đưa 354 vệ tinh nặng tổng cộng 50 tấn vào vũ trụ, trong đó có các vệ tinh của Ấn Độ và nước ngoài.
Trong khi đó, RISAT-2B là vệ tinh quan sát Trái Đất hiện đại, trang bị ăng ten rộng 3,6 mét và được đánh giá là công nghệ của tương lai.
Trước đó, Hồi đầu tháng 4 vừa qua, ISRO cũng đã phóng thành công 1 vệ tinh quan sát EMISAT và 28 vệ tinh nước ngoài lên không gian nhờ tên lửa đẩy PSLV-C45.
Ấn Độ đang đạt những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực không gian. Trước khi phóng 2 vệ tinh nói trên, nước này cũng đã bắn hạ một vệ tinh bay ở quỹ đạo Trái Đất tầm thấp trong một cuộc thử nghiệm tên lửa và sự thành công này được đánh giá là bước tiến lớn đưa New Delhi vào danh sách các cường quốc về không gian.
Với cột mốc này, Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 4 sau Mỹ, Nga và Trung Quốc có thể tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào một vật thể bay trong quỹ đạo Trái Đất.