Ngân hàng chịu áp lực tăng vốn

Mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm nay, nhiều ngân hàng (NH) thông báo kế hoạch tăng vốn điều lệ và trích lập quỹ dự phòng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Trước áp lực này, chuyện chia cổ tức lại lần nữa “nóng” lên vì NH khó thực hiện như đã hứa. Theo đó, việc chia cổ tức của các NH cũng phải tạm hoãn, thậm chí có NH mất khả năng chi trả cổ tức.

“Chạy đua” tăng vốn

Theo kế hoạch, ngày 15/4 tới đây, NH TMCP Vietcombank sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2016. Một trong những nội dung được ĐHCĐ đề cập tới là thông qua phương án tăng vốn điều lệ cho năm nay. Cụ thể, NH đang chuẩn bị đợt phát hành riêng lẻ tỷ lệ 10%, thậm chí tỷ lệ này có thể nâng lên 20%. Việc huy động vốn trong năm 2016 của Vietcombank sẽ được thực hiện thông qua hai hình thức: Phát hành cổ phiếu sơ cấp tỷ lệ 10% cho các nhà đầu tư nước ngoài và cổ phiếu thưởng tỷ lệ 35%.

Hoạt động giao dịch tại Hội sở Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank).

Trong kế hoạch ĐHCĐ năm nay của Vietinbank không có nội dung tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên, dự kiến thương vụ sáp nhập PGBank hoàn tất vào quý II/2016 sẽ giúp ngân hàng này hoàn tất kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 49.000 tỷ đồng. Vấn đề này được đặt ra từ năm 2015 nhưng không thực hiện được do thương vụ sáp nhập chậm triển khai so với kế hoạch.

Không chỉ các NH lớn có kế hoạch tăng vốn, mà các NH nhỏ cũng đang chạy đua. Cụ thể, sau khi được NHNN chấp thuận cho tăng vốn điều lệ từ 3.080 tỷ đồng lên 4.080 tỷ đồng, NH TMCP Sài Gòn Công Thương (SaigonBank) đang ráo riết lên phương án cụ thể để tăng vốn, có thể thông qua phương án phát hành thêm cổ phần. NH VPBank cũng đang có phương án tăng vốn điều lệ lên hơn 10.000 tỷ đồng bằng việc phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu ưu đãi cổ tức cho nhà đầu tư trong năm 2016. NamABank đặt mục tiêu lợi nhuận 300 tỷ năm 2016, tiếp tục tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu này, NH đã có phương án phát hành thêm cổ phiếu…

Theo các lãnh đạo ngân hàng, việc tăng vốn là bắt buộc theo quy định của NHNN. Bởi đây không chỉ giúp ngân hàng mở rộng hạn mức tín dụng với khách hàng, bổ sung vốn cho vay trung dài hạn, góp vốn mua cổ phần… mà tăng vốn còn là yêu cầu tất yếu để ngân hàng đáp ứng các tiêu chuẩn quản trị rủi ro ngày càng khắt khe. Cụ thể khi hội nhập, các NH phải tiến tới tiêu chuẩn Basel II ( là phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, trong đó đưa ra các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của ủy ban Basel về giám sát ngân hàng) thì nhiều ngân hàng sẽ phải tăng vốn mới đáp ứng được yêu cầu mới về vốn tối thiểu (CAR). Theo ước tính, việc áp dụng Basel II có thể sẽ khiến hệ số CAR của các NH giảm 10 - 20%. Trong khi đó, hệ số CAR của nhiều NH, kể cả NH lớn hiện chỉ ở 9 - 10% (mức tối thiểu là 9%). Như vậy, mức CAR hiện hành của các NHTM chắc chắn sẽ giảm mạnh khi áp dụng Basel II, vậy nên việc tăng vốn dường như là yêu cầu bắt buộc.

Lại lỗi hẹn chia cổ tức

Theo kế hoạch, NHNN đang chuẩn bị ban hành thông tư mới sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2013/TT-NHNN quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Điểm chính của thông tư mới là tạo điều kiện gián tiếp hỗ trợ xử lý các vấn đề tài chính của các tổ chức tín dụng (TCTD) sau khi đã bán nợ xấu và nhận về trái phiếu đặc biệt của VAMC. NHNN cũng nêu rõ định hướng về tinh thần của thông tư sắp ban hành: “Giảm bớt áp lực trích lập dự phòng rủi ro, bảo đảm duy trì các tỷ lệ lành mạnh tài chính và an toàn hoạt động trong thời gian tới cho các TCTD đang thực hiện cơ cấu lại hoặc khó khăn về tài chính bán nợ xấu cho VAMC”.

Quy định này cũng nhằm yêu cầu các TCTD tập trung nguồn lực để xử lý nợ xấu khi tình hình tài chính trong năm được cải thiện. Cũng theo tinh thần đó, các TCTD được NHNN chấp thuận cho phép gia hạn thời hạn trái phiếu đặc biệt không được chia cổ tức, để tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt đã gia hạn được thanh toán. Đây cũng là lý do khiến nhiều NH có tỷ lệ nợ xấu cao trước đây lại tiếp tục lỗi hẹn với các cổ đông không thể chia cổ tức như đã hứa.

Một cổ đông của một ngân hàng có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng vừa chuyển trụ sở chính từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội là Việt Á Bank, cho biết đã 3 năm qua, cổ đông này không nhận được một đồng cổ tức nào cho khoản vốn hơn 400 triệu đồng đầu tư mua cổ phiếu. Phía nhà băng này thì lý giải là do cổ tức được chi trả bằng cổ phiếu trong kế hoạch tăng vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh. Tương tự, nhiều cổ đông của DongABank, Eximbank… cũng phải rơi vào trường hợp tương tự khi không có khả năng chi cổ tức cho cổ đông mà nguyên nhân là nợ xấu tăng cao, lợi nhuận hao hụt nặng.

Nhiều ngân hàng khác tuy lợi nhuận có tốt hơn, nhưng vì áp lực tăng vốn và trích lập dự phòng rủi ro, cũng đành lỡ hẹn với cổ đông và xin chi cổ tức bằng cổ phiếu. Cụ thể, NamABank đang xin phương án chi cổ tức 5% bằng cổ phiếu, còn NH ACB cũng sẽ trình ĐHCĐ chia cổ tức 2015 bằng cổ phiếu tỷ lệ 100:9… Dù vậy, theo ông Nguyễn Văn Dũng, Cục trưởng Cục II Cơ quan Giám sát NHNN, tại ĐHCĐ năm nay, dự kiến vẫn sẽ có nhiều NH tiếp tục xin cổ đông không chia cổ tức để tập trung nguồn lực cho tái cơ cấu, nhất là các NH sau mua bán và sáp nhập.
Hải Yên
Hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Năm 2016, Chương trình kết nối ngân hàng (NH) - doanh nghiệp (DN) TP Hồ Chí Minh dự kiến sẽ “bơm” thêm 250.000 tỷ đồng vốn vay nhằm hỗ trợ nhiều hơn cho DN, hộ kinh doanh và tiểu thương...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN