Vào tối mùa thu lành lạnh ngày 29/10/1964, khu Upper West Side ở Manhattan, New York (Mỹ) tĩnh lặng. Hai người đàn ông trèo rào sắt, leo theo đường cầu thang thoát hiểm lên tầng 5 Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ, rón rén men theo rìa hẹp dọc tòa nhà.
Tiếp đó, chúng leo dây thừng xuống tầng 4, luồn vào qua một cánh cửa sổ mở để vào sảnh trưng bày đá quý và khoáng sản của JP Morgan. Chúng chuẩn bị thực hiện vụ trộm trang sức lớn nhất lịch sử New York.
Một tên là Jack Roland Murphy, vận động viên lướt ván 27 tuổi đẳng cấp thế giới kiêm nghệ sĩ violin. Kẻ chủ mưu này thường được gọi là Murphy lướt ván. Còn đồng bọn của hắn là Allan Kuhn, 26 tuổi, ở Miami. Kẻ trông chừng là Roger Clark 29 tuổi, đang ngồi trong chiếc Cadillac trắng bóng bẩy đỗ trên phố, giữ liên lạc qua bộ đàm.
Dùng máy cắt kính và nùi cao su, hai tên trộm cẩn thận cưa ba tủ kính sao cho tiếng cưa khớp với tiếng máy bay đang bay trên trời để tránh gây chú ý với 8 nhân viên an ninh có nhiệm vụ bảo vệ bảo tàng rộng lớn. Bọn trộm tranh thủ thời gian, ở vài tiếng trong sảnh và vào đêm đó, chúng đã tẩu thoát cùng 22 viên đá quý trị giá 3 triệu USD theo thời giá ngày nay. Trong số đó, có ba viên đá quý hiếm: viên Ngôi sao Ấn Độ, viên đá 563,35 cara to bằng quả bóng golf; viên hồng ngọc Ngôi sao DeLong 100,32 cara và viên ngọc bích Midnight màu tím sẫm 116,75 cara – một trong những viên ngọc bích đen to nhất thế giới.
Sau khi thu được chiến lợi phẩm, bọn trộm còn bình thản đi qua vài viên cảnh sát trong công viên nhỏ quanh bảo tàng, rồi biến vào màn đêm. Murphy còn tỉnh táo tới mức mở lời chào viên cảnh sát.
Sau đó, bọn trộm vào một câu lạc bộ jazz, nhấp ly cocktail. Vốn là một tội phạm lão luyện, từng thực hiện một loạt vụ trộm ở Miami, Murphy còn không buồn thay quần áo.
Vụ trộm phức tạp này bắt đầu từ những viên đá quý bị đánh cắp. Quá khứ của viên Ngôi sao Ấn Độ luôn chìm trong bí ẩn. Đây là viên đá quý xanh nhạt được mài tròn, 2 tỷ năm tuổi, đường kính 5cm, có hoa văn độc đáo như ngôi sao 6 điểm ở mặt trên vào dưới, lần đầu được phát hiện ở Sri Lanka vào những năm 1700 nhưng mãi 200 năm sau mới được lịch sử ghi dấu.
Cuối thế kỷ 19, nhà từ thiện kiêm nhà tài chính người Mỹ JP Morgan đã thuê nhà sưu tập đá quý George Kunz mua một bộ đá quý. Ngôi sao Ấn Độ nằm trong những trang sức trong bộ sưu tập mà về sau ông Morgan tặng cho bảo tàng.
Theo ông Erin L. Thompson, giáo sư nghiên cứu tội phạm nghệ thuật tại Đại học John Jay ở New York, có quá nhiều thông tin đã mất về nhiều thứ trong bảo tàng và đặc biệt là trong các bộ sưu tập tư nhân. Chủ nhân của chúng không nói rõ về những người chủ trước đó. Không ai biết về hành trình của Ngôi sao Ấn Độ và những người chủ của nó cho tới khi nó nằm trong tay George Kunz.
Một bí ẩn của viên đá này nữa là tại sao nó lại có tên Ngôi sao Ấn Độ, chứ không phải là Ngôi sao Ceylon, tên cũ của Sri Lanka.
Viên hồng ngọc Ngôi sao DeLong màu đỏ tím có 6 vạch, nguồn gốc từ Myanmar, lúc bấy giờ được coi là viên hồng ngọc hoàn hảo nhất thế giới. Một người Mỹ tên Edith Haggin DeLong đã tặng viên đá quý cho bảo tàng sau khi mua từ nhà sưu tập Martin Leo Ehrmann năm 1937 với giá tương đương 390.000 USD ngày nay.
Ehrmann đi khắp thế giới tìm những món trang sức hiếm và đắt tiền, nhưng nguồn gốc những món đồ trong bộ sưu tập của ông này vẫn chưa ai rõ. Không có bất kỳ thông tin gì về quá trình mua bán và định giá viên hồng ngọc Ngôi sao DeLong.
Sáng hôm sau vụ trộm, James Oliver, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ đang nhổ răng thì nhân viên bảo tàng phát hiện ra vụ trộm. Đội cảnh sát số 20 của New York đã tới hiện trường sau 10 giờ sáng khi được báo tin. Họ tìm dấu vân tay và mở cuộc điều tra. Bảo tàng ngay lập tức đóng cửa.
Lúc đầu, các điều tra viên phát hiện ra rằng bọn trộm hành động rất cẩn thận. Khi xử lý hộp đựng các viên đá quý to, chúng đã dán các dải băng dính khắp vòng tròn kính định cắt để ngăn kính vỡ và rơi xuống. Sau đó chúng đập bằng nùi cao su. Với hai chiếc hộp tiếp theo, chúng đổi cách làm, chỉ đập vỡ hộp và lấy đồ trang sức.
Các quan chức cho rằng bọn trộm này không chuyên nghiệp khi ước tính giá trị các viên đá quý. Chúng đã bỏ qua một hộp bích quý giá để lấy mấy viên kim cương và ngọc lục bảo giá trị ít hơn nhiều. Ngoài ra, mấy viên đá quý hiếm bị đánh cắp sẽ không thể bán được vì chúng quá nổi tiếng.
Một cảnh sát mặc thường phục đã lần theo thông tin của nhân viên khách sạn Cambridge House gần đó, nói rằng bộ ba tên trộm gần đây đã mở một bữa tiệc hoành tráng tại phòng đắt tiền. Sau khi xin lệnh khám xét và đột kích căn phòng, các thám tử phát hiện ma túy, sơ đồ bảo tàng và sách về đá quý. Khi cảnh sát đang lục soát căn phòng thì Roger Clark bước vào, nói rằng Murphy và Kuhn đã bay tới Miami. Hai tên này bị bắt hai ngày sau vụ trộm và bị giải về New York.
Tuy nhiên, do không có nhân chứng và không có vật chứng, vụ việc trở nên không có căn cứ. Kuhn và Murphy sớm được tự do sau khoản bảo lãnh ít ỏi. Ủy viên công tố quận Marurice Nadjari bắt đầu tìm kiếm các tội khác mà những gã này gây ra để có lý do giam giữ chúng hoặc ít nhất bắt chúng trả tiền bảo lãnh cao hơn. Lục tìm các hồ sơ cũ, ông đã tìm ra bằng chứng để giam hai tên trộm.
Khi bay về New York để dự phiên tòa, Kuhn và Murphy bị cáo buộc tội bóp cổ một phụ nữ để lấy cắp trang sức trong một khách sạn Miami vài tháng trước đó. Người phụ nữ đó hóa ra lại là nữ diễn viên Eva Gabor nổi tiếng người Hungary. Khoản bảo lãnh lúc này lên tới 100.000 USD. Gabor về sau không kiện nhưng vụ việc đã đủ để hai tên này ngồi sau song sắt và buộc phải thương lượng.
Ngồi trong tù, Kuhn nói với ông Nadjari rằng hắn ta có thể mang các viên đá quý về nếu để hắn tới Miami một mình. Không tin tưởng, ngày 5/1/1965, Nadjari và ba nhân viên mặc thường phục đã đi cùng chuyến bay với Kuhn.
Sau một loạt cuộc gọi điện và vô số lần trì hoãn, họ nhận được hướng dẫn tìm chìa khóa tủ tại bến xe buýt Northeast Miami Trailways. Không lâu sau khi tới bến xe buýt, một thám tử tên là Richard Maine trở lại với hai cái túi ướt sũng nước chứa 9 viên đá quý. Hai túi này được nhét ở thuyền của Kuhn tại vịnh Biscayne.
Mấy viên đá quý được trưng bày trở lại ở bảo tàng, lần này được bảo vệ tốt hơn. Tuy nhiên, viên hồng ngọc Ngôi sao DeLong vẫn mất tích. Mấy tên trộm thừa nhận tội và ở trong nhà tù Rikers Island ở New York khoảng 2 năm.
Tháng 9 sau đó, một bên thứ ba đã đích thân đàm phán với một người đang giữ viên Ngôi sao DeLong. Tỷ phú John D MacArthur đã trả khoản tiền chuộc 25.000 USD, tương đương 200.000 USD theo thời giá hiện nay và viên đá được thu hồi từ một bốt điện thoại ở Florida. Về sau, một người tên là Duncan Pearson bị kết án liên quan tới tội giấu viên hồng ngọc.
Tuy nhiên, một số viên đá quý khác không bao giờ được tìm thấy. Ví dụ như viên kim cương Eagle, viên đá quý được một người đào giếng phát hiện lần đầu năm 1876 gần thị trấn Eagle ở Wisconsin, Mỹ. Người ta cho rằng viên kim cương này đã bị cắt thành nhiều viên nhỏ, khiến cho tuyệt tác thiên nhiên vĩnh viễn biến mất.
Murphy không thay đổi sau khi mãn hạn tù năm 1967. Tội ác của hắn còn vượt cả trộm cắp, trở nên độc ác và bạo lực hơn. Năm 1969, hắn bị kết tội giết hai phụ nữ là đồng phạm trong vụ trộm cổ phiếu và trái phiếu trị giá 500.000 USD (tương đương 4 triệu USD ngày nay).
Trong một lần đi thuyền ở Florida, một nữ đồng phạm đã đe dọa tố cáo Murphy và đồng bọn của hắn là Jack Griffith nếu không chia cho mình khoản tiền lớn hơn. Cả hai phụ nữ sau đó bị đánh bằng dùi cui tới chết, ném xác buộc bê tông xuống biển.
Murphy bị kết án lần nữa và ngồi 17 năm trong nhà tù bang Florida. Khi trong tù, hắn bắt đầu làm mục sư với các tù nhân khác, rao giảng về sự chuộc tội. Năm 1986, hắn được phóng thích và dành phần đời còn lại thuyết giảng cho tù nhân.