Tướng Navarre và con đường tới Điện Biên Phủ - Kỳ 1

Pháp muốn đưa Tướng Henri Navarre sang Đông Dương để tìm kiếm một chiến thắng trên mặt trận nhằm làm đòn bẩy cho đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, Kế hoạch Navarre của viên tướng lừng danh này đã thảm bại ở Điện Biên Phủ.

Kỳ 1: Vì sao Navarre được chọn tới Đông Dương?

Trong luận án thạc sĩ tại trường Đại học California, Mỹ bảo vệ thành công năm 1981 mang tên “The Generalship of General Henri E. Navarre During the Battle of Dien Bien Phu” (tạm dịch: Chiến lược của Tướng Henri E. Navarre trong trận Điện Biên Phủ), Thiếu tá Bruce H. Hupe đã phân tích yếu tố con người và bối cảnh chính trị của Navarre và lý giải tại sao ông ta lại thảm bại tại Điện Biên Phủ.
Navarre dành cả đời để chuẩn bị cho việc làm một viên tướng cấp cao. Là con trai của một giáo sư đại học, Navarre yêu thích mọi thứ liên quan tới quân sự từ khi còn bé. Anh tốt nghiệp Học viện quân sự Pháp Saint-Cyr năm 1918.

Sau đó, Navarre phục vụ trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, bắt đầu đời binh nghiệp với tư cách là một học viên sĩ quan 19 tuổi trên mặt trận Đức. Anh ta chiến đấu cùng binh sĩ Mỹ tại Chateau-Thierry. Navarre thường được đánh giá là có “tinh hoa phát tiết” và lòng trung thành. 

Chú thích ảnh
Ảnh Navarre trên trang bìa tạp chí Time. Ảnh: Time Cover Store

Trong một số báo năm 1953 của tạp chí Time mà sự kiện Navarre đảm nhận trách nhiệm chỉ huy ở Đông Dương được lên trang bìa, phóng viên mô tả Navarre là một người chủ nghĩa cá nhân, lạnh lùng, chỉ thể hiện trí tuệ, phong cách và sức hút bản thân tại những cuộc tụ tập nhỏ, riêng tư. Navarre được mô tả là có sức hút với phụ nữ, là người có thẩm mỹ. Navarre yêu mèo vì loài vật này độc lập và không gần gũi. 

Một người bạn từng nói về Navarre: “Có một điều gì đó từ thế kỷ 18 về con người anh ta. Anh ta là chân dung một diễn viên ưu tú từ thời Vua Louis XV. Người ta thấy anh ta chỉ thiếu diềm xếp nếp ở cổ tay áo và tóc giả. Anh ta là vị tướng cứng rắn nhất tôi từng biết, thông minh, tàn nhẫn. Anh ta không tin bất kỳ điều gì ngoài quân đội”.

Khoảng cách lạnh lùng mà Navarre duy trì với mọi người có thể là một nhân tố khiến anh ta gặp vấn đề trong giao tiếp với mọi người. 

Navarre thể hiện mong muốn có dáng dấp quý tộc khi chọn quân chủng giống nhất với những hiệp sĩ thời xư: kỵ binh. Anh ta cũng là một trong những người ủng hộ hàng đầu chiến tranh thiết giáp.  

Chú thích ảnh
Henri Navarre. Ảnh: historyofthecoldwarpodcast

Khi Chiến tranh Thế giới thứ nhất kết thúc, Navarre vẫn tiếp tục chiến đấu. Anh ta ngay lập tức sang Syria và ở đây hai năm để chống lại người Arab và học trực tiếp về chiến tranh du kích. Từ năm 1930 tới 1934, Navarre tham gia các chiến dịch của Pháp ở Marocco. Mặc dù thích gọi bản thân là sĩ quan xe tăng nhưng công việc chủ yếu của Navarre là sắp xếp cán bộ, đặc biệt là trong ngành tình báo.

Navarre nói giỏi tiếng Đức. Từ năm 1937 đến 1940, Navarre là trưởng bộ phận Đức của tình báo quân đội Pháp. Dường như Navarre không thành công lắm trong vai trò đó, nhất là khi quân Pháp bị bất ngờ trước cuộc chiến tranh chớp nhoáng của Đức năm 1940.

Navarre trốn khỏi Paris năm 1940 và tìm đường tới Bắc Phi. Anh ta đăng ký tham gia quân đội Vichy và tận dụng vị trí để hỗ trợ đồng minh khi có thời cơ. Một trong số thành tích của Navarre là thường xuyên thông báo qua radio về hoạt động trên biển của quân Đức cho quân Anh.

Câu chuyện về Navarre trên tạp chí Time đã cung cấp cho độc giả Mỹ một cái nhìn tích cực về Navarre. Quan điểm của Mỹ về Navarre là điều quan trọng. Mỹ đang bắt đầu cung cấp viện trợ quân sự lớn để hỗ trợ Pháp trong chiến tranh tại Đông Dương đầu những năm 1950.

Chú thích ảnh
Tướng Pháp Rene Cogny (trái) và Henri Navarre đứng hút thuốc trên sân bay trong cuộc tấn công của quân Pháp vào Điện Biên Phủ. Ảnh: LIFE

Sự nghiệp của Navarre được chú ý tới một phần vì dũng cảm, thông minh trong vai trò một người chỉ huy các đơn vị quân đội lớn trong chiến trận. Navarre tiếp tục sự nghiệp quân ngũ sau khi quân đồng minh giải phóng Paris. Sau đó, anh đảm nhận vị trí Tham mưu trưởng Lực lượng Trung tâm của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. 

Tại sao một người như Navarre lại được chọn để chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương? Câu trả lời liên quan tới Thủ tướng Pháp Rene Mayer, người đã biết Navarre từ hồi ở Algeria và Đức thời bị chiếm đóng. Theo Trung tướng Phillip Davidson, ông Mayer biết và tin tưởng Navarre. Với ông Mayer, Navarre tỏ vẻ khiêm tốn và có trí thông minh một cách lạnh lùng – hai phẩm chất rất cần cho nhiệm vụ mà ông đang cần tìm người thực hiện.

Giới lãnh đạo chính trị Pháp cho rằng Navarre có đủ phẩm chất một cách xuất sắc theo mọi tiêu chuẩn của quân đội. Mặc dù chưa bao giờ tới Đông Dương nhưng Navarre có kinh nghiệm trong các chiến dịch chống du kích khi tham gia các cuộc chiến tranh thuộc địa của Pháp tại Syria và Morocco. Trong thực tế, việc không có định kiến với các chiến dịch ở Đông Dương lại là một điều có lợi.

Dù không có kinh nghiệm ở Đông Dương cũng không có khao khát cháy bỏng được phục vụ tại đó, nhưng Henri Navarre đã được thăng lên cấp tướng 4 sao khi 55 tuổi và được lệnh chuyển vị trí từ NATO sang vị trí Tổng tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương.

Kỳ 2: Sứ mệnh của Navarre

Thùy Dương/Báo Tin tức
Tướng Navarre và con đường tới Điện Biên Phủ - Kỳ cuối: Lý giải thất bại của Navarre
Tướng Navarre và con đường tới Điện Biên Phủ - Kỳ cuối: Lý giải thất bại của Navarre

Lãnh đạo cấp cao quân đội Mỹ đồng ý với phán quyết của lịch sử rằng Navarre chịu trách nhiệm chính cho thảm họa mà quân đội Pháp phải chịu tại Điện Biên Phủ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN