Nhà báo Đỗ Phượng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN. Ảnh: Doãn Đức
|
Năm 1983, tờ báo Tuần Tin Tức ra đời và nhanh chóng tạo tiếng vang lớn trong xã hội với những bài báo chống tiêu cực gai góc. Nhân dịp báo Tin Tức Cuối tuần ra bộ mới và trở lại với tên Tuần Tin Tức, phóng viên đã gặp và nghe nhà báo lão thành Đỗ Phượng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN - một trong những người khai sinh ra tờ báo Tuần Tin Tức kể lại lịch sử ra đời của tờ Tuần Tin Tức.
Nhà báo Đỗ Phượng kể, nhân giải bóng đá thế giới tại Tây Ban Nha năm 1982 (Espana 82), TTXVN đã biên soạn và ấn hành Bản tin nhanh Espana 82, ra hàng ngày. Dù chỉ trong thời gian ngắn, nhưng Bản tin nhanh Espana 82 lại có hiệu quả rất tốt đối với dư luận, tạo ra một không khí mới trong dư luận xã hội. Sự ra đời của Bản tin nhanh Espana 82 là một thành công lớn, là bước khởi đầu của TTXVN trong việc đổi mới thông tin, đa dạng hóa nội dung và loại hình thông tấn, đưa thông tin của TTXVN trực tiếp đến quần chúng, không qua khâu trung gian.
Từ thành công của Espanha 82, Ban lãnh đạo TTXVN lúc đó, do đồng chí Đào Tùng là Tổng Giám đốc, đi đến quyết định, mạnh dạn thực hiện đa dạng hóa nội dung và loại hình thông tin, nhưng phải có định hướng và chuẩn xác. Ban lãnh đạo TTXVN đã bàn bạc, đi đến nhất trí quyết định xuất bản ba tờ tuần tin: “Văn hóa và Thể thao quốc tế” (nay là báo “Thể thao & Văn hóa”); tờ “Tuần Tin Tức” và tờ “Khoa học kỹ thuật và Kinh tế thế giới” (sau này là tờ “Khoa học và Công nghệ”).
Ngày 14/5/1983, báo Tuần Tin Tức ra số đầu tiên, do Tổng Giám đốc TTXVN Đào Tùng trực tiếp làm Tổng Biên tập. Thông tin chủ yếu trên Tuần Tin Tức là bài viết về các vấn đề thời sự, chính trị trong nước và quốc tế. Lúc này, Tuần Tin Tức cũng như 2 tờ tuần tin còn lại vẫn chưa có giấy phép xuất bản, mà không có giấy phép xuất bản, thì không được Nhà nước cấp giấy in, TTXVN phải tự chi tiền mua giấy ngoài với giá cao để in báo và bán báo có lãi ra thị trường. Cũng từ đây, TTXVN bắt đầu “vượt rào” ra khỏi tư duy báo chí bao cấp.
Số báo Tuần Tin Tức đầu tiên, phát hành ngày 14/5/1983.
|
Tờ Tuần Tin Tức ra đời phản ánh nhiều vấn đề thời sự, quốc tế và trong nước rất nghiêm túc. Bên cạnh việc biểu dương những gương người tốt việc tốt, những điển hình tiên tiến, những nhân tố mới... tờ báo đã có nhiều bài báo gai góc, phê phán đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, gây tiếng vang lớn trong làng báo và trong xã hội lúc bấy giờ. Dưới sự chỉ đạo, động viên của Bộ Biên tập, nhiều phóng viên có kinh nghiệm như Phạm Vũ Tâm (bút danh Thơ Linh Cơ), Vũ Duy Thông, Trần Mai Hạnh... đã có những bài phóng sự, điều tra chống tiêu cực, được bạn đọc hoan nghênh.
Một trong những bài viết gây chấn động đầu tiên với công chúng là bài báo “Vùng than trước ngưỡng cửa báo động”, phản ánh những bê bối của ngành than trong quản lý, đời sống công nhân khó khăn, sản xuất sa sút, trong khi đó tư tưởng thành tích rất nặng nề, báo cáo lên cấp trên thiếu trung thực...
Ngay sau khi báo đăng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Phó Thủ tướng Đỗ Mười (lúc đó) cùng lúc có hai quyết định, một là: Ngừng chuyến đi công tác nước ngoài của Bộ trưởng Bộ Điện và Than, hai là: UBND tỉnh Quảng Ninh phải kiểm điểm và cùng với lãnh đạo khu mỏ kiểm tra tình hình và sửa chữa ngay những điều làm chưa đúng... Khi đó, TTXVN và tờ Tuần Tin Tức phải đối diện với sự phản ứng của lãnh đạo Quảng Ninh và lãnh đạo Bộ Điện và Than.
Một sự kiến chấn động nữa là loạt bài về vụ án ông Hà Trọng Hòa, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa lúc bấy giờ. Khi đó, nhà báo Thơ Linh Cơ (bút danh của nhà báo Phạm Vũ Tâm) nhiều lần phải vào Thanh Hóa bằng ô tô, đến Ninh Bình rồi đi nhờ các phương tiện khác nhau, bí mật vào Thanh Hóa xác minh và thẩm định tài liệu. Để bảo vệ nhân chứng, TTXVN còn phải kín đáo đón đồng chí Phó Giám đốc Công an Thanh Hóa (sau này làm Thứ trưởng Bộ Công an) cùng một nhà văn và một nhân chứng về trú tạm ở nhà số 3 Phan Huy Chú (Hà Nội).
Sau một loạt bài viết phản ánh sai phạm, lãnh đạo TTXVN đã mời ông Hà Trọng Hòa làm việc chung với ý định, đề nghị ông Hòa viết bài tự kiểm điểm sai phạm của mình đăng trên Tuần Tin Tức, nhằm giải quyết vấn đề một cách nhẹ nhàng.
Tuy nhiên, ông Hà Trọng Hòa đã từ chối gặp lãnh đạo Thông tấn xã, đồng thời tổ chức họp báo phê phán Thông tấn xã phản ánh sai sự thật... Trước tình hình đó, ban lãnh đạo TTXVN đưa ra quyết định cuối cùng, là công bố bài viết “Lan ‘lừa’ là ai?” với đầy đủ chứng cứ mà phóng viên thu thập được.
Để thể hiện thái độ tôn trọng đối với nhân vật, lãnh đạo TTXVN đã mang bản thảo bài viết lên gặp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (thời kỳ đó) và báo cáo với Tổng Bí thư, đây là bài báo cuối cùng về ông Hà Trọng Hòa. Bài báo này là “đòn đánh” cuối cùng quyết định số phận ông Hà Trọng Hòa. Kết quả, sau loạt bài điều tra của báo Tuần Tin Tức, ông Hà Trọng Hòa bị khai trừ khỏi Ban Chấp hành Trung ương, cách chức Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, một việc chưa từng có trước đây.
Sau vụ ông Hà Trọng Hòa tạo nên tiếng vang lớn, Tuần Tin Tức trở thành một tờ báo có vị thế và uy thế rất lớn trong nước. Nhiều người coi tờ báo như một địa chỉ đỏ để kêu oan, đến tòa soạn gửi đơn thư, giãi bày những oan khiên, nhờ báo giúp đỡ... Rất nhiều vụ việc sai phạm của nhiều nhân vật, nhiều ngành, nhiều địa phương... bị đưa lên mặt báo. Và những bài báo chống tiêu cực gai góc của Tuần Tin Tức hồi ấy cũng bị phản ứng dữ dội, lãnh đạo TTXVN và báo Tuần Tin Tức nhiều lần phải đi giải trình với lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Nhà báo Đỗ Phượng kể, tờ Tuần Tin Tức ra đời năm 1983 tạo được tiếng vang lớn, được bạn đọc đón nhận, nhưng phải đến năm 1984, hơn một năm sau mới có giấy phép xuất bản chính thức. Đó là ngày 29 Tết âm lịch năm 1984, đồng chí Đào Duy Tùng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên huấn Trung ương và một đoàn cán bộ cấp vụ các cơ quan chức năng đến làm việc với lãnh đạo Thông tấn xã.
Khi đó, có cán bộ trong đoàn còn phê phán Thông tấn xã, thậm chí có người kiến nghị đình bản cả ba tờ báo. Rất may, đồng chí Phó trưởng ban Đào Duy Tùng đã nói: “Bây giờ tôi xin truyền đạt ý kiến của Ban Bí thư: Ba tờ báo chưa có giấy phép chính thức, nhưng từ năm 1982, lãnh đạo cao nhất của Đảng đã đồng ý cho Thông tấn xã làm công việc này. Thông tấn xã đã thực hiện đa dạng hóa thông tin có định hướng.
Tuy không tránh khỏi những sai sót nhỏ nhưng định hướng của ba tờ báo là chuẩn xác, góp phần vào việc ổn định và động viên dư luận xã hội. Vì vậy, ngay sau đây, bộ chức năng cần cấp giấy phép chính thức cho ba tờ báo”. Và thế là, các thủ tục cấp phép cho ba tờ báo được hoàn thành nhanh chóng.
Nhà báo Đỗ Phượng cho biết, tờ báo được đặt tên Tuần Tin Tức, bởi khi đó, ban lãnh đạo TTXVN “thần tượng” tờ Newsweek (Mỹ) nên đặt tên Tuần Tin Tức với mong muốn học kiểu làm báo của Newsweek. Đến nay, trải qua 34 năm hình thành và phát triển, báo Tuần Tin Tức (sau này đổi tên thành Tin Tức Cuối tuần) đã có những bước thăng trầm, nhưng vẫn giữ vững tôn chỉ, mục đích, là một tờ báo đáng tin cậy của Đảng, của Nhà nước và của nhân dân.
Việc Tin Tức Cuối tuần ra bộ mới và lấy lại tên Tuần Tin Tức có một ý nghĩa quan trọng, đặc biệt là đúng thời điểm Đảng và Nhà nước đang phát động phong trào chống tham nhũng, cải cách... cần sự xung trận của báo chí, Tuần Tin Tức cần tìm đúng những vấn đề Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm, để làm sâu, làm đúng và chính xác, tiếp tục khẳng định là tiếng nói tin cậy của Đảng, Nhà nước, là địa chỉ đỏ để nhân dân gửi gắm niềm tin, giãi bày những oan khiên... từng bước đưa tờ báo trở thành một tờ báo có vị thế và uy tín lớn trong nước.