Cách đây 70 năm, một trận không chiến đã diễn ra trên bầu trời nước Anh và eo biển La Manche giữa không quân phát xít Đức và không quân Hoàng gia Anh. Trận không chiến bắt đầu ngày 10/7/1940 và kéo dài trong 305 ngày đêm, biến bầu trời trên quốc đảo Anh trở thành một bãi chiến trường đẫm máu. Ngày 11/5/1941, Nguyên soái Hermann Goering, Tư lệnh không quân Đức, phải đình chỉ cuộc không chiến này, vì Hitler cần máy bay tiêm kích và máy bay ném bom để tấn công Liên Xô.
Kỳ I: Hơn 3.800 máy bay bị bắn rơi trong 305 ngày
Nguyên soái Hermann Goering, Tư lệnh Không quân Đức. |
Khi cuộc không chiến bắt đầu, Không quân Hoàng gia Anh (RAF) có 500 máy bay ném bom, 700 máy bay tiêm kích một động cơ và 96 máy bay tiêm kích hai động cơ. Không quân Đức có 1.576 máy bay ném bom, 809 máy bay tiêm kích một động cơ và 30 máy bay tiêm kích hai động cơ. Cuộc không chiến kéo dài này đã làm RAF bị mất 1.547 máy bay và 544 phi công; bên cạnh 27.450 dân thường bị thiệt mạng và 32.138 người bị thương. Trong khi đó, không quân Đức bị mất 2.265 máy bay và 1.995 binh sĩ không quân, chưa kể 1.313 người bị thương và 2.591 người bị bắt hoặc mất tích. Mặc dù hai bên đều tăng cường và gấp rút sản xuất thêm máy bay và đào tạo phi công, nhưng dường như không đủ bù đắp cho những thiệt hại trong thời gian này.
Trong một cuộc chiến tranh chớp nhoáng tháng 5 và 6/1940, quân đội phát xít Đức (Wehrmacht) đã nhanh chóng đè bẹp nước Pháp và ba nước Benelux (Bỉ, Hà Lan và Lúcxămbua), chiếm đóng Đan Mạch, Na Uy cũng như giành quyền kiểm soát toàn bộ vùng bờ biển của Bắc Hải và bờ biển Đại Tây Dương của Pháp. Như vậy chỉ còn nước Anh cản trở Hitler thống trị châu Âu. Với "Chiến dịch Sư tử biển", Hitler lên kế hoạch xâm lược Anh quốc qua eo biển La Manche.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến dịch này, Hitler tuyên bố với Đại Đô đốc Erich Raeder, Tư lệnh Hải quân: "Nếu không thành công trong việc gây thiệt hại đáng kể cho không quân, hải cảng và hải quân đối thủ, thì chiến dịch này sẽ phải hoãn lại tới tháng 5/1941" và đó sẽ là bước thụt lùi lớn đầu tiên của chính quyền Quốc xã.
Một cảnh được lấy từ bộ phim "Trận không chiến trên nước Anh" quay năm 1969. |
Trong hồi ký của mình, Thủ tướng Anh Winston Churchill cho biết, ông cũng nhận ra cơ hội có thể tạo ra bước ngoặt trong chiến tranh, nếu Hitler tấn công nước Anh và không quân của chúng bị tan vỡ. Ông viết: "Giờ đây, số phận của chúng ta phụ thuộc vào chiến thắng trên không. Giới lãnh đạo Đức đã nhận ra rằng, mọi kế hoạch tấn công Anh quốc chỉ có thể thực hiện được nếu họ giành được ưu thế trên không đối với eo biển La Manche và những vị trí đổ bộ được dự kiến trên bãi biển của chúng ta". Bởi vì, việc chuẩn bị trong những hải cảng cho tàu cập bến, việc tập hợp xe vận tải, việc dọn dẹp thủy lôi ở những vùng biển tàu sẽ đi qua cũng như thả những bãi thủy lôi mới không thể thực hiện được, nếu không được bảo vệ an toàn trước sự tấn công của máy bay Anh.
Nguyên soái Hugh Dowding, Tư lệnh Không quân Hoàng gia Anh. |
Vì vậy, trong văn bản tuyệt mật: "Chỉ thị số 17 đối với việc tiến hành cuộc chiến trên không và trên biển chống nước Anh", Hitler đã ra lệnh: "Các phi đội không quân Đức phải sử dụng toàn bộ sức mạnh có được để đánh bại không quân Anh càng sớm càng tốt".
Về tương quan lực lượng, Thủ tướng Churchill đánh giá: "Máy bay Đức nhanh hơn và có khả năng bay cao hơn, nhưng máy bay của chúng ta cơ động hơn và được trang bị vũ khí tốt hơn".
Mặc dù không quân Đức có lợi thế chiến lược là có thể phân tán lực lượng ra nhiều sân bay ở cách xa nhau. Nhưng việc bay đi, bay về tốn nhiều xăng nên chúng thường chỉ có 20 phút để chiến đấu và ném bom mà thôi.
Giới lãnh đạo Đức hy vọng rằng các cuộc tấn công của chúng sẽ thu hút một số lượng lớn máy bay tiêm kích Anh. Nhưng sau những trận đụng độ đầu tiên, không quân Anh đã chuyển máy bay của mình vào sâu hơn trong đất liền làm cho máy bay Đức không thể tấn công. Adolf Galland, được phong tướng năm 1941 khi mới 29 tuổi, nhận xét: "Các máy bay tiêm kích ở trong tình trạng như con chó bị xích, muốn nhảy bổ vào xâu xé kẻ thù, nhưng vì chúng ở xa hơn tầm xích nên không làm gì được".
Vì không chiến chủ yếu trên bầu trời Anh, nên nếu phi công của RAF chẳng may bị bắn rơi và nhảy dù được thì hôm sau đã có thể được đưa vào tham chiến, nhưng nếu phi công Đức bị bắn rơi thì sẽ bị bắt làm tù binh.
Ngoài ra, không quân Anh đã nhanh chóng thích ứng với đội hình chiến đấu trội hơn của máy bay Đức bằng cách cho hai máy bay ở phía sau và một chiếc trên cao để trông chừng máy bay Đức đánh tập hậu. Họ đưa ra khẩu hiệu: "Hãy trông chừng bọn Hung Nô đến từ phía mặt trời!". Vì khi đó họ sẽ bị chói mắt, khó quan sát máy bay địch.
Một hôm, chiếc chuyên xa của Nguyên soái Đức Goering chạy tới mũi Gris Nez, "Chiếc mũi xám" của bờ biển Pháp tại eo biển La Manche, nơi chỉ cách nước Anh 33 km. Hermann Goering tới thăm hai phi công nhiều thành tích của Đức là Werner Moelders, người đã tiến hành không chiến thành công trong 115 trận, chỉ huy phi đội máy bay tiêm kích 51 và Adolf Galland, không chiến thành công 103 trận, chỉ huy phi đội máy bay tiêm kích 26.
Cuộc chuyện trò diễn ra chẳng mấy vui vẻ, vì hai sĩ quan tỏ ý bực mình khi Goering hỏi xem có thể bắn vào dù các phi công Anh khi họ phải nhảy dù hay không. Khác với giới lãnh đạo Quốc xã, ngay từ đầu các phi công Đức đã tỏ ra "kính nể" đối phương, vì họ chiến đấu rất kiên cường, khiến thiệt hại của không quân Đức ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, nhiều phi công đã biến những cuộc chiến chết chóc này thành như trò đùa. Tướng Galland đã cho vẽ hình chuột Micky lên mũi chiếc máy bay Messerschmitt 109 của mình, hút xì gà trong buồng lái và mang theo con chó săn "Schweinebauch" của mình đi theo trong những chuyến bay thị sát.
Vào ngày sinh nhật của "sếp" là Thiếu tướng Theo Osterkamp, chỉ huy phi đoàn máy bay tiêm kích, Galland mang tới Brest ở ven bờ Đại Tây Dương một giỏ tôm hùm và hàu, ra trận bắn rơi hai máy bay Spitfire của Anh và kịp thời hạ cánh xuống bãi tắm Le Touquet để dự tiệc.
Phi công nổi tiếng của Anh Douglas Bader đã bị mất cả hai chân trong một tai nạn năm 1931, nhưng vẫn vào trận với chân giả. Sau một trận không chiến trên vùng trời Calais thuộc Pháp, ông phải nhảy dù, nhưng một chân giả bị kẹt lại tại cửa buồng lái. Tướng Galland cho người đưa Bader từ bệnh viện tới chỗ mình, mời trà và hỏi xem Bader có nguyện vọng gì không. Bader đề nghị muốn có một bộ quân phục mới của Anh, tẩu hút thuốc, thuốc lào và một chân giả thay thế.
Qua làn sóng thường dùng để kêu cứu trên biển, Galland cho người đánh điện và ngày hôm sau, không quân Anh lại tấn công và thả xuống sân bay của Galland một thùng hàng đựng những thứ mà Bader yêu cầu.
Vũ Long (Tổng hợp từ báo chí Đức)