Top 5 máy bay chiến đấu tồi nhất mọi thời đại

Nếu đánh giá về sự thất bại trong việc thực thi nhiệm vụ chiến thuật, khả năng đối chọi với các máy bay cùng thời kỳ và mức độ rủi ro với phi công điều khiển... thì trong lịch sử không quân, một số loại tiêm kích được đặt biệt hiệu là “quan tài bay”. Dưới đây là 5 trong số những “tiêm kích tồi nhất mọi thời đại”.

 

Royal B.E.2


Royal B.E.2 là một trong những máy bay quân sự đầu tiên được đưa vào sản xuất đồng loạt quy mô lớn với khoảng 3.500 chiếc được xuất xưởng. Bay lần đầu tiên vào năm 1912 và mặc dù được sản xuất với số lượng lớn, B.E.2 cũng chỉ phục vụ đến năm 1919 do các máy bay tốt hơn ra đời. Về nhược điểm, B.E.2 có tất cả những vấn đề như tầm nhìn hạn chế, độ tin cậy kém, khó kiểm soát, tốc độ chậm và vũ khí yếu. Sự cải tiến sau đó càng làm cho loại máy bay này trở nên nguy hiểm hơn khi bay. 



Brewster Buffalo



Là loại máy bay ngắn, mập lùn và xấu xí, Buffalo được đưa vào sử dụng cùng năm với Mitsubishi A6M Zero và Bf-109 nhưng sau đó bị hai loại máy bay này chiếm ưu thế áp đảo. Được thiết kế để triển khai trên cả mặt đất và tàu sân bay, Buffalo lần đầu tham chiến trong lực lượng không quân Phần Lan (do phía Mỹ chuyển giao sau Chiến tranh Mùa đông năm 1939).


Mặc dù các máy bay Buffalo đã tác chiến tốt trong những ngày đầu của chiến tranh Liên Xô - Phần Lan (1941 - 1944), nhưng các phi công Buffalo của không quân Khối Thịnh vượng chung và Hà Lan ở Đông Nam Á đã bị máy bay tiêm kích Zero và Oscar của Nhật Bản tàn sát.


Do phải mang theo những vũ khí nặng cùng với việc chở thêm nhiên liệu và được bọc thép nên trọng lượng của máy bay đã tăng lên so với thiết kế. Điều này khiến máy bay bị “yếu”, chậm chạp và thiếu cơ động so với các máy bay chiến đấu cùng thời. Ngoài ra, Buffalo còn hoạt động kém ở nhiệt độ cao, vốn là điều kiện quen thuộc ở vùng nhiệt đới.


Các phi công Mỹ gọi Buffalo là “quan tài bay” sau trận Midway, khi nó tham chiến chống Nhật Bản không hiệu quả. Buffalo đã nhanh chóng bị thay thế trong biên chế của quân đội Mỹ bằng đối thủ xuất sắc hơn là Grumman F4F Wildcat.


Lavochkin-Gorbunov-Gudkov LaGG-3



Trong thập niên 1930, quá trình hiện đại hóa quân đội Xô viết diễn ra với tốc độ nhanh chóng, có những thời điểm công nghệ chưa thể bắt kịp. Do vậy đứa con của Lavochkin, Gorbunov và Gudkov (LaGG), xuất hiện năm 1941, thật đáng “thất vọng” trong cuộc chiến với Messerschmitt Bf-109 của Đức.


LaGG-3 làm bằng gỗ, động cơ yếu, khi trúng đạn tan thành từng mảnh nhỏ. Kết quả là các phi công gọi LaGG là “cỗ quan tài đảm bảo bóng lộn”. LaGG-3 phải ngừng sản xuất từ năm 1942, tuy nhiên tổ hợp công nghiệp-quân sự Liên Xô vẫn xuất xưởng loại máy bay này cho tới năm 1944.


Các tiêm kích F-100



Chọn một ứng cử viên tiêm kích tồi nhất mọi thời đại từ loạt máy bay tiêm kích F-100 là một vấn đề khó. Bộ chỉ huy Không quân Chiến thuật Mỹ đã cố gắng làm cho F-100 càng trở nên “chiến lược” càng tốt, tập trung vào khả năng đánh chặn, có thể đuổi kịp và tiêu diệt máy bay ném bom Liên Xô cũng như mang và tấn công bằng vũ khí hạt nhân. Chính điều này đã khiến các tiêm kích F-100 trở nên yếu kém khi đối đầu với các tiêm kích MiG nhỏ nhắn, cơ động của Không quân Nhân dân Việt Nam.


Tất nhiên, không phải tất cả tiêm kích F- 100 đều là thảm họa. Máy bay chiến đấu F-100 thế hệ hai khá tốt hay máy bay đánh chặn F-106 hoạt động khá hiệu quả. Các F-100 còn lại gặp rắc rối do sự kết hợp lẫn lộn các khái niệm chiến lược và công nghệ. Các tiêm kích F-101 là máy bay đánh chặn chuyển đổi thành tiêm kích có khả năng ném bom, một sự kết hợp gần như vô nghĩa. Nó chủ yếu hoạt động như một máy bay trinh sát. Các máy bay F-102 Delta Dagger kém cỏi cả trong vai trò máy bay đánh chặn và tiêm kích ném bom, chỉ tham chiến một thời gian ngắn trước khi trở thành một mục tiêu bay điều khiển từ xa.


F-104 Starfighter của Lockheed là một tiêm kích tốc độ cao, đẹp nhưng lại là một cái bẫy chết người, có biệt danh “quan tài bay” khi có tỷ lệ tai nạn hơn 30 lần/100.000 giờ bay (nó còn được gọi là “quả tên lửa với người ngồi bên trong”). Không quân Canada đã mất trên 50% số lượng F-104 vì tai nạn, trong khi tỷ lệ này của Không quân Đức là trên 30%. Các máy bay kềnh càng F-105 Thunderchief của hãng Republic được thiết kế như một máy bay ném bom hạt nhân, nó không hề thích hợp với nhiệm vụ ném bom thông thường và trở thành “miếng mồi ngon” của các tiêm kích MiG-17 Fresco, MiG-21 Fishbed và tên lửa phòng không SAM-2.


Các máy bay F- 100 do các hãng khác nhau sản xuất và được dự tính thực hiện các nhiệm vụ khác nhau. Chúng được mua sắm với số lượng rất lớn và tất cả đều có các vấn đề liên quan đến cùng một nguyên nhân, đó là sự bất lực của Không quân Mỹ trong việc xây dựng khái niệm tác chiến bên ngoài lĩnh vực chiến lược.


Mikoyan-Gurevich MiG-23



MiG-23 phải cạnh tranh với F-4 và F-111c cánh cụp cánh xòe của Mỹ. MiG-23 là loại máy bay mạnh mẽ song không dễ điều khiển. Vì thế các phi công nhóm “Đại bàng đỏ” của Mỹ gọi nó là “quả bom chậm chạp”. MiG-23 không có một số lợi thế giống như các dòng máy bay đời trước, vì thế chiếc máy bay lớn này dễ bị phát hiện hơn. Ngoài ra nó cũng khó bảo dưỡng và động cơ chóng hỏng.


Tuy nhiên, các nước thành viên Hiệp ước Warsaw, mà ban đầu loại máy bay này được thiết kế dành cho họ, quyết định vẫn giữ MiG-21 lại sử dụng. Các thành công của MiG-23 tại Syria, Iraq và Libya là không mấy ấn tượng.


Công Thuận

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN