Họ bị nhóm Black September của Palestine bắt cóc và giết hại. Vụ việc đã thành quá khứ nhưng mới đây, có một số tình tiết mới được tiết lộ về mức độ tàn bạo của những kẻ tấn công.
Quan tài các vận động viên Israel bị khủng bố giết hại. |
Tháng 9/1992, hai quả phụ Israel được gọi tới nhà luật sư của họ. Khi
đến, hai người được luật sư thông báo rằng ông mới nhận được vài bức ảnh
trong chuyến công tác tới Munich gần đây, song khuyên họ không nên xem
ảnh. Trước sự kiên quyết của hai bà quả phụ, ông luật sư buộc phải đồng ý
để họ xem với điều kiện phải có mặt một bác sĩ.
Hai phụ nữ đó
là Ilana Romano và Ankie Spitzer. Chồng họ là hai trong số 11 vận động
viên Israel đã bị sát hại năm 1972. Họ đã xem các bức ảnh mà trong suốt
vài chục năm qua người ta nói là không hề tồn tại. Sau đó, hai phụ nữ đã
nhất trí không bàn công khai các bức ảnh.
Cuộc tấn công vào làng Olympic ở Munich năm đó đến nay vẫn là một trong những chương kinh hoàng nhất trong lịch sử thể thao quốc tế. 8 tên khủng bố đã đột nhập vào nơi ở của các vận động viên đoàn thể thao Israel rạng sáng 5/9/1972, bắt đầu cơn ác mộng kéo dài hơn 20 tiếng và kết thúc bằng một vụ giải cứu thất bại.
Từ lâu, vấn đề các con tin bị đối xử thế nào luôn là chủ đề bị đồn đoán nhiều nhất cho đến khi một bức tranh rõ nét hơn về vụ tấn công xuất hiện. Lần đầu tiên, bà Romano và Spitzer cùng gia đình các nạn nhân quyết định nói công khai về các tài liệu mà dư luận trước đây chưa từng biết nhằm mang lại công lý cho người thân đã khuất.
Trong số những chi tiết đáng lưu ý nhất có việc các thành viên đội Olympic Israel bị đánh đập và ít nhất một người bị thiến. Bà Romano nói về chồng bà là vận động viên Yossef Romano: “Những gì chúng làm là cắt dương vật của anh ấy xuyên qua quần và lạm dụng anh ấy. Bạn có thể hình dung ra 9 người còn lại trong cảnh bị trói không? Họ đã phải chứng kiến điều đó”.
Bà Romano và Spitzer đã lần đầu tiên nói về sự tàn ác của những kẻ tấn công trong một cuộc phỏng vấn cho bộ phim tài liệu “Munich 1972 & Beyond”. Bộ phim khắc họa cuộc đấu tranh lâu dài của gia đình các nạn nhân nhằm được thừa nhận chính thức về nỗi đau cho người thân của họ. Bộ phim dự kiến ra mắt đầu năm 2016.
Tên tuổi của các vận động viên Israel thiệt mạng ở Munich năm 1972. |
Trong các cuộc phỏng vấn sau đó với tờ The New York Times, bà Spitzer cho biết bà và gia đình của các nạn nhân khác đã biết về việc các nạn nhân bị đối xử thế nào sau khi thảm kịch xảy ra 20 năm. Lúc đó, chính quyền Đức đã công bố hàng trăm trang báo cáo mà trước đây họ nói là không tồn tại. Bà Spitzer và Romano, đại diện của các gia đình nạn nhân vụ 1972, lần đầu tiên nhìn thấy tài liệu vào một đêm thứ bảy năm 1992. Bà Romano có con gái sẽ lấy chồng ba ngày nữa nhưng không vì thế mà bà muốn trì hoãn xem tài liệu vì bà đã chờ đợi quá lâu. Dẫu đã chuẩn bị tinh thần nhưng bà Romano không ngờ các tấm ảnh kinh khủng đến vậy. Khi bà Romano trở về nhà đêm đầu tiên sau khi xem ảnh, bà nói với các con rằng các bức ảnh “khó xem” và đề nghị con không hỏi mình nữa.
Bà Romano (trái) và bà Spitzer. |
Ông Romano là một nhà vô địch cử tạ. Ông bị bắn chết khi tìm cách khống chế mấy tên khủng bố. Sau đó, ông bị bỏ mặc đến chết trước mặt các con tin khác. Các con tin khác thì bị đánh đập và có nhiều vết thương nặng. Có người bị gãy xương. Ông Romano và một con tin chết trong làng Olympic. Chín con tin khác bị giết trong chiến dịch giải cứu thất bại sau khi họ bị nhóm khủng bố đưa đến một sân bay gần đó.
Bà Spitzer nói: “Mấy tên khủng bố lúc nào cũng nói rằng chúng không đến để giết ai cả. Chúng chỉ muốn thả tự do cho bạn bè trong nhà tù ở Israel. Chúng nói rằng chỉ vì cuộc giải cứu tại sân bay thất bại nên chúng đã giết số con tin còn lại. Nhưng điều đó không đúng. Chúng đến để làm hại mọi người. Chúng đến để giết”.
Trong suốt hai chục năm qua, hai bà quả phụ và luật sư Pinchas Zeltzer giữ những chi tiết rùng rợn cho riêng mình. Thỉnh thoảng, bà Romano có đề cập đến chuyện chồng mình bị hành hạ nhưng bà luôn giấu kín bức ảnh.
Thực ra ngay từ đầu, dư luận đã không rõ chuyện gì đã xảy ra với các nạn nhân. Thi thể của họ được gia đình, bạn bè xác nhận ở Munich. Đối với ông Romano, một người bác đã xác nhận thi thể nhưng chỉ được nhìn mặt. Theo luật Do Thái, lễ chôn cất được tổ chức gần như ngay sau khi các thi thể được đưa về Israel.
Sau vụ thảm sát, giới chức Israel chỉ quan tâm đến lỗ hổng an ninh và sai sót của các quan chức Đức cũng như ban tổ chức Olympic. Còn những gì mà các nạn nhân đã trải qua chỉ được gia đình họ quan tâm. Người thân của họ liên tục đề nghị biết thêm thông tin nhưng chỉ được trả lời là mọi chuyện đã kết thúc, không có gì cả.
Năm 1992, sau khi trả lời phỏng vấn một kênh truyền hình Đức nhân kỷ niệm 20 năm vụ thảm sát Munich, bà Spitzer một lần nữa bày tỏ sự tức giận vì không biết chính xác điều gì đã xảy ra với chồng và đồng nghiệp của ông. Sau đó, một người tự xưng là làm việc cho một cơ quan chính phủ Đức đã liên lạc với bà, gửi cho bà 80 trang tài liệu và báo cáo của cảnh sát. Sau đó, bà Spitzer và luật sư Zeltzer đã dùng tài liệu này để gây áp lực buộc chính phủ Đức công bố toàn bộ tài liệu còn lại, trong đó có các bức ảnh.
Sau khi nhận được tài liệu, gia đình các nạn nhân đã kiện chính phủ Đức, chính quyền vùng Bavaria và chính quyền thành phố Munich vì để xảy ra vụ thảm sát. Vụ kiện bị bác vì đã hết thời hạn. Không dừng lại đó, các gia đình nỗ lực vận động hàng chục năm để người thân đã khuất của họ được tưởng nhớ trong hoạt động Olympic. Nỗ lực của họ đã thành công khi Ủy ban Olympic Quốc tế đã đồng ý hỗ trợ tài chính xây một đài tưởng niệm ở Munich cho các cố vận động viên, đồng thời có kế hoạch tưởng niệm họ tại Thế vận hội mùa hè năm 2016 ở Rio de Janeiro.