Vì chưa rõ Nosenko muốn cống hiến cho nước Mỹ hay là một điệp viên của KGB muốn xâm nhập vào CIA nên người ta quyết định tiến hành kiểm tra nói dối lần hai với hắn. Tuy nhiên, kết thúc đợt kiểm tra này, CIA vẫn chưa thể khẳng định Nosenko là kẻ đào tẩu thực sự hay là điệp viên của KGB.
Giám đốc CIA Richard Helms. |
Việc Nosenko một mực khai báo mình chán ghét tổ quốc và muốn cống hiến cho nước Mỹ đã trở thành tai họa đối với Angleton và những kẻ ủng hộ hắn. Không chỉ khẳng định con người này là một điệp viên KGB chính hiệu mà nhóm của Angleton còn cho rằng sức chịu đựng phi thường của Nosenko đã chứng minh một điều: KGB rất xảo quyệt và đã đạt đến trình độ tuyệt đỉnh trong nghệ thuật phản gián. Điều này càng làm cho Angleton lo sợ rằng chỗ nào cũng có người của KGB cài cắm và bác bỏ nhiều kế hoạch tác chiến, đặc biệt là những kế hoạch của Phòng Liên Xô. Và hậu quả là Angleton cảm thấy không thể tin vào bất kỳ ai. Các kế hoạch của Phòng Liên Xô gần như dừng lại hết. Cơ quan tham mưu và Phòng Liên Xô liên tục rơi vào tình huống khó xử. Mọi chuyện xoay quanh một vấn đề chính: CIA sẽ đồng ý với thế giới quan của ai? Của Angleton và Golitsyn hay của Nosenko?
Phóng viên điều tra Seymour Hersh của tờ Thời báo New York. |
Để giải quyết vấn đề này, Giám đốc CIA Richard Helms bổ nhiệm Bruce Solie, một người được cả hai phía đồng ý để tiếp quản vụ Nosenko. Sau khi xem xét các tình tiết của quá trình bắt giữ và thẩm vấn Nosenko, Solie phát hiện thấy rằng không chỉ Nosenko đã bị đối xử thậm tệ mà trong các biên bản lấy lời khai chứa đầy những sai sót. Và các báo cáo chính thức về Nosenko do Angleton chuẩn bị với sự giúp sức của Golitsyn cũng thường dịch sai các câu trả lời của Nosenko. Thêm nữa, trong các cuộc thẩm vấn trước, Nosenko đã tiết lộ danh tính của sáu điệp viên ngầm ở châu Âu nhưng Angleton đã bưng bít các thông tin này. Khi được hỏi về vấn đề này, Angleton cho là những điệp viên này chỉ là những “con tốt” mà KGB sử dụng để đánh lừa CIA rằng Nosenko là kẻ đào tẩu thực sự.
Nosenko đồng ý tiến hành một cuộc kiểm tra nói dối lần thứ ba. Và kết quả cho thấy hắn không nói dối. Tuy nhiên, Angleton phản đối kết quả kiểm tra này và một mực cho rằng Nosenko là một kẻ đào tẩu giả mạo được cử đến để “phá” Golitsyn.
Đến cuối những năm 1960, dường như không ai tránh khỏi sự nghi ngờ của Angleton. Anh ta thậm chí còn tiến hành điều tra Thủ tướng Anh Harold Wilson. Sở dĩ có chuyện này là do Golitsyn cho rằng, KGB tiến hành ám sát đối thủ chính của Wilson thuộc Công đảng để mở đường cho Wilson lên nắm quyền; do đó Wilson rất có thể là điệp viên của Liên Xô!
Một cuộc kiểm tra nói dối. |
Không chỉ vậy, Angleton và Golitsyn còn chắp nối các chứng cứ lại với nhau và đi đến kết luận rằng Thủ tướng Tây Đức Willy Brandt, Thủ tướng Thụy Điển Olaf Palme và Thủ tướng Canađa Lester Pearson đều là “tài sản” của Liên Xô.
Golitsyn cũng cáo buộc Giám đốc điều hành của Tổng công ty xăng dầu Occidental, ông Armand Hammer và cựu Đại sứ Mỹ ở Liên Xô, cựu Thống đốc bang New York, ông Averell Harriman, có thể là gián điệp của Liên Xô.
Angleton và Golitsyn thậm chí còn nghi ngờ Henry Kissinger, Ngoại trưởng dưới thời Tổng thống Nixon, là người của KGB. Họ nghi ngờ động cơ của ông trong việc tìm kiếm giải pháp giảm bớt căng thẳng với Liên Xô và vươn ra củng cố các mối quan hệ với Trung Quốc. Angleton còn cho rằng các điệp viên Liên Xô đã thâm nhập vào tổ chức NATO.
Ngoài săn lùng các điệp viên ngầm trong hàng ngũ chính phủ, Angleton còn săn lùng những người biểu tình chống chiến tranh Việt Nam. Các nhân viên của anh ta được giao tiến hành Chiến dịch Chaos, một cuộc điều tra các nhóm phản đối trong nước được thực hiện theo lệnh của Tổng thống Lyndon Johnson. Theo luật pháp nước Mỹ, CIA chỉ được phép tiến hành các cuộc điều tra liên quan đến nước ngoài, vì thế xét về luật, Chaos là một chiến dịch bất hợp pháp.
HT-LINGUAL cũng là một chiến dịch bất hợp pháp khác mà Angleton chỉ huy. Được bắt đầu từ năm 1955, chiến dịch này bí mật xem lén các lá thư chuyển đến từ Liên Xô để tìm dấu vết của gián điệp Liên Xô. Việc mở trộm thư từ là bất hợp pháp nhưng Angleton lý giải rằng tình báo Liên Xô coi con đường thư tín là một kênh liên lạc an toàn nên hắn có thể vi phạm luật pháp Mỹ trong lĩnh vực thư tín.
Năm 1974, chân tướng của các chiến dịch Chaos và HT-LINGUAL cùng Angleton bị phơi bày khi phóng viên điều tra Seymour Hersh của tờ Thời báo New York tiết lộ rằng anh đang viết một loạt bài về việc vi phạm quyền công dân của chính phủ Mỹ.
Trước nguy cơ sự thật sẽ bị phơi bày trên mặt báo, Giám đốc CIA William Colby triệu hồi Angleton đến và khuyên rằng đây là thời điểm thích hợp cho anh ta nộp đơn từ chức. Những tưởng nhiệm vụ của mình ở CIA vẫn chưa hoàn thành, Angleton từ chối nghỉ hưu. Và trong một nỗ lực tuyệt vọng, anh ta đã liên lạc với Hersh và hứa cung cấp những thông tin mật khác nếu như Hersh làm cho vụ việc này “chìm xuồng”. Hersh không đồng ý và bài báo được xuất bản.
Angleton trì hoãn việc nghỉ hưu của mình hàng tháng trời và thậm chí sau khi đã nộp đơn xin từ chức, anh ta vẫn tiếp tục xuất hiện ở văn phòng như bình thường. Sự việc kéo dài trong nhiều tháng sau cho đến tận khi anh ta nghỉ hưu thực sự vào đầu năm 1975.
Phải nghỉ hưu ở tuổi 58, Angleton đã bị đẩy ra khỏi nơi mà ông ta đã gắn bó như ngôi nhà của mình. Angleton cố gắng khỏa lấp thời gian trống bằng những thú vui khác như câu cá, trồng phong lan và làm nghề kim hoàn. Ông ta cũng đã tìm cách liên lạc lại với người vợ đã ly thân, cô Cecily và cầu xin cô quay trở lại. Khi Cecily trở lại, Angleton đã ở trong tình trạng suy sụp về sức khỏe. Chứng nghiện rượu, nghiện thuốc lá và bệnh mất ngủ - có từ thời cắp sách đến trường - khiến Angleton trở nên hom hem và tiều tụy.
James Jesus Angleton qua đời ở tuổi 69, sau một thời gian dài vật lộn với căn bệnh ung thư phổi. Theo vợ ông ta kể lại, một trong những lời mà Angleton trăng trối lại với bà là: “Tôi đã phạm phải quá nhiều sai lầm”.
Khánh Chi (Tổng hợp)