Tối 15/12/1961, trưởng bộ phận tình báo của CIA ở Henxinki, Phần Lan, nghe thấy tiếng chuông cửa reo khi ông ta đang chuẩn bị đi dự một bữa tiệc. Khi mở cửa, ông thấy một người đàn ông thấp đậm với mái tóc đen và những đặc điểm không thể lẫn vào đâu được của người xứ Xlavơ đang đứng dưới hiên nhà.
Người đàn ông tự giới thiệu là Anatole Klimov, nhưng trưởng bộ phận tình báo nhận ra tên thật của người này là Anatoliy Golitsyn, một sĩ quan tham mưu của KGB. Golitsyn đang hoạt động dưới vỏ bọc của nhân viên Sứ quán Nga ở Henxinki. Golitsyn giải thích rằng mình cảm thấy chán tổ quốc và xin được tị nạn.
CIA nhanh chóng đưa Golitsyn đến Luân Đôn (Anh). Đối với CIA, người này hóa ra lại khó tiếp cận. Golitsyn một mực đòi nói chuyện trực tiếp với Tổng thống John F. Kennedy về những nguy cơ từ phía Liên Xô và liên tục yêu cầu có 15 triệu USD để tiến hành một chiến dịch nhằm lật đổ chính phủ Liên Xô. Một đánh giá tâm lý nghi ngờ rằng, Golitsyn mắc chứng bệnh hoang tưởng. Trong thực tế, Golitsyn từ chối nói chuyện với bất kỳ nhân viên CIA nào bởi Golitsyn nghi họ có thể là điệp viên của Liên Xô.
Lee Harvey Oswald - Kẻ đã ám sát Tổng thống Kennedy. |
Những người nghi ngờ về “giá trị” của Golitsyn cho rằng, hắn ta chỉ là một chuyên gia phân tích tình báo của KGB, với công việc chủ yếu là dịch và biên tập các báo cáo cho cấp chỉ huy các mạng lưới tình báo hoạt động ở nước ngoài. Họ đánh giá Golitsyn có lẽ không nắm được những thông tin quan trọng và thậm chí, nếu những tài liệu đó có được chuyển qua bàn làm việc của Golitsyn thì có lẽ hắn cũng không hiểu được tầm quan trọng của chúng.
Tuy nhiên, Golitsyn đã chứng minh được “giá trị” của mình bằng cách đưa ra các bằng chứng dẫn đến việc phát hiện hai gián điệp của Liên Xô đang hoạt động ở Canađa và ở Anh. Golitsyn cũng chỉ chính xác những vị trí đặt các thiết bị nghe lén trong Sứ quán Mỹ ở Mátxcơva - đó là phía sau các lò sưởi.
Nhưng tiết lộ gây sửng sốt nhất của Golitsyn lại là việc hắn ta tin rằng có một gián điệp Liên Xô hoạt động trong tổ chức CIA. Những thông tin mật có độ tin cậy cao mà hắn thu thập được ở Mátxcơva chứng tỏ một điều nó được gửi từ người nào đó có vị trí cao trong cơ quan đầu não của CIA.
Angleton và Phòng phản gián được giao nhiệm vụ thẩm định thông tin này. Vào thời điểm đó, Angleton đã không còn làm việc cho Phòng Liên Xô và anh ta không có một nguồn cung cấp thông tin đáng tin cậy nào của riêng mình. Vì thế đối với anh ta, Golitsyn là một “phần thưởng” do Chúa gửi đến. Ngay lập tức, Angleton tự hào đặt cho Golitsyn biệt danh “hiệp sĩ áo đen” và coi đây là điệp viên có giá trị nhất của Liên Xô từng đào tẩu sang phương Tây. Quan điểm hoang tưởng của Golitsyn về việc gián điệp Liên Xô có mặt ở khắp mọi nơi lại trùng lắp với quan điểm của Angleton. Điều này càng khiến Angleton coi Golitsyn như là một kho báu chứa các thông tin có giá trị về hoạt động của KGB.
CIA trả Golitsyn hàng nghìn USD (tương đương hàng triệu USD ngày nay) cho sự hợp tác này. Họ tạo cho hắn một vỏ bọc mới dưới cái tên John Stone. Nhờ đó, Golitsyn có thể mua một ngôi nhà ở khu bờ đông Manhattan và một trang trại ở vùng quê thuộc bang New York. Angleton còn tìm cho hắn công việc của một luật sư kiêm môi giới chứng khoán ở Phố Wall. Không chỉ vậy, Angleton còn bố trí một tủ riêng trong văn phòng của ban tham mưu của Phòng phản gián cho Golitsyn.
Golitsyn bảo vệ vị trí của mình trong bộ máy CIA bằng cách tuyên bố rằng, bất kỳ kẻ nào đào tẩu từ Liên Xô sau hắn đều là giả mạo; và những điệp viên này được KGB cử sang nhằm làm cho CIA nghi ngờ Golitsyn mà thôi. Tất nhiên, không ai quan tâm đến lời cảnh báo này hơn Angleton.
Từ năm 1959 cho đến đầu những năm 1960, có nhiều bằng chứng chỉ ra rằng, mối quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc đã bắt đầu xấu đi. Các bức ảnh chụp được cho thấy, nhiều cố vấn Liên Xô bắt đầu rời khỏi Trung Quốc; điều này càng củng cố cho nhận định có sự mâu thuẫn về tư tưởng giữa hai chính phủ cộng sản này.
Tuy nhiên, Golitsyn không tin vào điều đó. Hắn cho rằng, đây là một chiến dịch đánh lạc hướng của Liên Xô nhằm làm cho phương Tây lầm tưởng hai nhà nước cộng sản lớn nhất này đang mâu thuẫn với nhau. Người ta chỉ cho hắn xem những bức không ảnh chụp từ máy bay U-2 cho thấy, số lượng lớn binh sĩ được tập trung dọc theo biên giới Xô - Trung, nhưng hắn trả lời rằng đó là cái cách mà KGB đánh lừa đối phương. Angleton ủng hộ nhận định này và tổ chức một hội nghị để Golitsyn bày tỏ quan điểm của hắn ta trước một nhóm các chuyên gia chuyên nghiên cứu về quan hệ Trung - Xô. Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến đều không nhất trí với nhận định đó.
Ngày 22/11/1963, Tổng thống Kennedy bị ám sát ở thành phố Dallas, bang Texas. Cả nước Mỹ bị sốc. Chỉ hơn một giờ sau, người ta bắt được thủ phạm của vụ ám sát, một cựu lính thủy đánh bộ Mỹ tên là Lee Harvey Oswald. Sau đó hai ngày, Oswald bị bắn chết, mang theo toàn bộ bí mật về vụ sát hại tổng thống.
Khi tìm hiểu hồ sơ về Oswald, các điều tra viên phát hiện ra rằng, hắn từng có thời gian phục vụ ba năm ở Liên Xô, kết hôn với một công dân Liên Xô và có ý định trở thành công dân nước này. Sự liên hệ giữa Oswald với Liên Xô rõ ràng không thể bỏ qua. Liệu có phải KGB đã tuyển dụng Oswald để tiến hành ám sát Tổng thống Mỹ?
Một năm rưỡi sau vụ ám sát, một sĩ quan tác chiến của KGB tên là Yuri Nosenko tiếp cận CIA đề nghị được đào tẩu sang Mỹ. Nosenko khai rằng hắn đã từng công tác ở Cục II của KGB, bộ phận đảm nhiệm công việc theo dõi và tuyển dụng người nước ngoài đang sinh sống ở Liên Xô. Lời khai của hắn ngay lập tức được nghiên cứu kỹ lưỡng và những người trực tiếp tiến hành thẩm vấn đi đến kết luật rằng hắn ta khai đúng sự thật. Nosenko được đưa sang Mỹ. Hắn cung cấp nhiều thông tin có giá trị cho CIA, trong đó bao gồm cả thông tin Lee Harvey Oswald không phải là người do KGB cử đi ám sát Kennedy.
Khánh Chi (tổng hợp)